Sửa đổi, bổ sung 5 nhóm chính sách lớn về đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công là động lực quan trọng cho tăng trưởng trong trung, dài hạn. Việc sửa Luật Đầu tư công được đánh giá là cấp bách, cần thiết để tháo gỡ nhanh điểm nghẽn, vướng mắc thực tiễn, khơi thông nguồn lực, tạo tác động lan tỏa đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tinh thần sửa đổi Luật và pháp luật liên quan là cần đặt hiệu quả, lợi ích chung lên trên hết.
Việc sửa Luật Đầu tư công được đánh giá là cấp bách, cần thiết để tháo gỡ nhanh điểm nghẽn, vướng mắc thực tiễn, khơi thông nguồn lực, tạo tác động lan tỏa đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội.
Việc sửa Luật Đầu tư công được đánh giá là cấp bách, cần thiết để tháo gỡ nhanh điểm nghẽn, vướng mắc thực tiễn, khơi thông nguồn lực, tạo tác động lan tỏa đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội.

Cuối tuần qua, Bộ KH&ĐT đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến các tỉnh, thành phố vùng miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng về Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, Luật Đầu tư công năm 2019 đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ đầu tư đưa vào khai thác, sử dụng nhiều dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng như: đường cao tốc liên vùng, ven biển... tạo kết quả rõ nét trong thực hiện đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, sau gần 5 năm thực hiện, Luật đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, một số quy định chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Đồng thời, một số quy định cơ chế, chính sách thí điểm mới được Quốc hội ban hành cũng cần cần nghiên cứu để thể chế hóa tại Luật. Bộ KH&ĐT đang gấp rút hoàn thành hồ sơ dự án luật này để trình Quốc hội, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Ông Nguyễn Đức Tâm, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, việc sửa đổi Luật Đầu tư công hướng tới 5 nhóm chính sách lớn.

Thứ nhất là thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về đầu tư công; luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thí điểm để mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng.

Thứ hai là tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm phát huy hơn nữa sự chủ động, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công, khai thác hiệu quả hơn nữa nguồn lực, năng lực quản lý và thực hiện các dự án đầu tư công của địa phương để đáp ứng yêu cầu thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.

Thứ ba là nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước. Nội dung chính sách này nhằm đa dạng hóa, mở rộng chủ thể quản lý và thực hiện dự án đầu tư công; khai thác năng lực đề xuất, quản lý, thực hiện dự án, nguồn lực của các địa phương và các thành phần kinh tế khác tham gia thực hiện dự án đầu tư công; khai thác tối đa các nguồn lực sẵn có, tạo sự chủ động cho các bộ, ngành, địa phương để nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư dự án.

Thứ tư là thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (vốn nước ngoài) thông qua đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong xây dựng, thực hiện kế hoạch vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, phù hợp với tính chất đặc thù của nguồn vốn này nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn. Đồng thời, bổ sung một chương riêng quy định về vốn nước ngoài.

Thứ năm là bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật thông qua cắt giảm, đơn giản hóa trình tự, thủ tục, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định còn có cách hiểu khác nhau để xử lý một số vấn đề phát sinh nhưng chưa được quy định cụ thể.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, việc sửa đổi Luật Đầu tư công lần này rất toàn diện, yêu cầu về chất lượng cao. Nếu Luật sửa đổi được thông qua vào Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV theo quy trình 1 kỳ họp, có hiệu lực từ 1/1/2025 thì kịp có hiệu lực để triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới.

Phát biểu tại Hội thảo, đại diện các địa phương thống nhất cao về tư duy chính sách cũng như những chính sách lớn được dự kiến sửa đổi tại Luật Đầu tư công. Nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi đồng bộ các pháp luật liên quan như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng… hoặc xử lý những vấn đề còn chồng chéo, mâu thuẫn để tạo thuận lợi trong triển khai các quy định mới như quy định liên quan đến dự án thực hiện trên địa bàn nhiều địa phương để phát triển liên kết vùng, dùng ngân sách địa phương này đầu tư cho dự án của mình trên địa bàn địa phương khác…

Chuyên đề