Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), chính sách muốn trúng, hiệu quả và khả thi phải được xây dựng theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp, đối tượng hưởng lợi làm trung tâm. Các đề án, báo cáo, kiến nghị tham mưu của Bộ KH&ĐT đều nhất quán quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước, luôn lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng ưu tiên phục vụ, tập trung tháo gỡ khó khăn, khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chính sách, pháp luật giúp khơi thông các điểm nghẽn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hội nhập quốc tế; cải cách thủ tục hành chính... Ảnh: Tường Lâm
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chính sách, pháp luật giúp khơi thông các điểm nghẽn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hội nhập quốc tế; cải cách thủ tục hành chính... Ảnh: Tường Lâm

Hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, trong 5 năm 2016 - 2020, ngành KH&ĐT nói chung và Bộ KH&ĐT đã có nhiều đổi mới, cải cách mạnh mẽ, đề ra phương châm hành động, tham mưu cho Chính phủ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp với tình hình mới và cùng với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, góp phần quan trọng vào thành tựu chung phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật được Bộ KH&ĐT xác định là nhiệm vụ trọng tâm, được lãnh đạo Bộ quan tâm và trực tiếp chỉ đạo sát sao, quyết liệt, luôn lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng ưu tiên phục vụ.

Ông Trần Hào Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, trong 5 năm qua, hệ thống thể chế, pháp luật, chính sách trong lĩnh vực kế hoạch, đầu tư và thống kê tiếp tục được đổi mới căn bản và toàn diện. Bộ KH&ĐT chủ trì xây dựng 5 đạo luật quan trọng, thiết yếu đối với hoạt động đầu tư và môi trường kinh doanh, gồm Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Bộ đã chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành hàng loạt nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; nghị quyết về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định có liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025.

Để hỗ trợ và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp, sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị giai đoạn 2021-2025 và xây dựng cơ chế, chính sách cho việc thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia với đầy đủ công năng kỹ thuật và thể chế vượt trội để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Cũng với mục đích đó, Bộ đã tích cực triển khai xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện Chương trình chuyển đổi số.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, Bộ đã tiên phong khởi xướng làn sóng cải cách thể chế, vượt qua lợi ích cục bộ, đề xuất xóa bỏ hàng nghìn điều kiện kinh doanh, góp phần tạo niềm tin, lan tỏa trong toàn xã hội, người dân và doanh nghiệp. Các chính sách, pháp luật đã giúp khơi thông các điểm nghẽn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hội nhập quốc tế; cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi gia nhập thị trường, khắc phục tình trạng xin cho.

Tiếp tục phát huy vai trò tổng tham mưu trưởng

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý cần có tư duy, cách tiếp cận mới, tiền kiểm sang hậu kiểm, chủ yếu phục vụ, thúc đẩy phát triển. Dịch Covid-19 cho bài học: đây là khó khăn nhưng cũng là cơ hội để trỗi dậy, cần phải có các quyết sách đúng đắn, kịp thời để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nắm bắt được cơ hội. Với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp, phải kiên trì, tiên phong, hoàn thiện thể chế chính sách nâng cao sức cạnh tranh, chuyển đổi số, tận dụng nguồn lực con người để phát triển đất nước.

Tham gia xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công. Đẩy nhanh và triển khai toàn diện chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam, trong đó chú trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cùng với đó là tiếp tục thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; thực hiện tốt chủ trương huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư; thu hút có chọn lọc các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài, nhất là các luồng vốn FDI dịch chuyển trong khu vực và toàn cầu...

Bộ trưởng cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các công trình tạo sự lan tỏa, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; hoàn thành nhanh các trục giao thông chính như cao tốc Bắc - Nam, đến năm 2025 hoàn thành toàn bộ tuyến từ Lạng Sơn đến Cà Mau; đường ven biển toàn bộ tuyến từ Quảng Ninh đến Nghệ An, toàn bộ đường ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long; sân bay Long Thành; đường giao thông kết nối từ Tây Nguyên đến các tỉnh duyên hải miền Trung…

Chuyên đề