Lấp khoảng trống pháp lý trong xử lý hợp đồng PPP

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc dự án PPP phải chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, Nhà nước mua lại dự án là điều không bên nào mong muốn khi ký hợp đồng, nhưng là thực tiễn đã và có thể xảy ra, đòi hỏi nền tảng chính sách phải có đủ cơ chế để xử lý. Bên cạnh đó, cơ chế chuyển giao, tiếp nhận dự án PPP cũng là một khoảng trống cần lấp sớm khi nhiều dự án sắp hết thời hạn hợp đồng.
Vì chưa đủ quy định, 8 dự án BOT vướng mắc gặp rắc rối từ nhiều năm nay chưa xử lý được. Ảnh: Lê Tiên
Vì chưa đủ quy định, 8 dự án BOT vướng mắc gặp rắc rối từ nhiều năm nay chưa xử lý được. Ảnh: Lê Tiên

“Kết hôn rồi, cũng phải có quy định đầy đủ về ly hôn”

Ví von hợp đồng dự án PPP như một cuộc hôn nhân giữa Nhà nước và nhà đầu tư, ông Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật kinh tế - dân sự thuộc Bộ Tư pháp cho rằng, pháp luật về PPP đã có quy định về “kết hôn”, thì cũng cần quy định đầy đủ về “ly hôn”, để giải quyết được những trường hợp mà hợp đồng dự án PPP bắt buộc phải chấm dứt trước hạn.

Thực tế, nhìn vào 8 dự án BOT gặp vướng mắc thời gian qua, trong số đó có những dự án đề xuất chấm dứt hợp đồng, Nhà nước mua lại, cho thấy những “cuộc ly hôn” - không dễ xử lý, rắc rối nhiều năm vì chưa đủ quy định, dẫn đến cả hai bên đều chịu thiệt hại và càng kéo dài càng thiệt hại lớn.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng, đối với 8 dự án BOT vướng mắc, trong đó gồm 5 dự án đề nghị Nhà nước mua lại và 3 dự án đề nghị hỗ trợ, khó khăn lớn khi xử lý là vấn đề pháp lý, trong đó câu chuyện vốn để giải quyết từ nguồn nào, tăng thu hay từ đầu tư công trung hạn vẫn chưa có lời giải.

Ngoài 8 dự án đang vướng mắc, còn nhiều dự án BOT khác đã ký hợp đồng được rà soát cũng có nhiều khó khăn, hụt thu và có thể tiếp tục cần các giải pháp để xử lý trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, với các dự án mới thực hiện theo Luật PPP, dù là điều không mong muốn, nhà đầu tư cũng đề nghị có cơ chế bảo đảm xử lý được khi cần chấm dứt hợp đồng trước hạn do lỗi từ phía Nhà nước. Điều 52 Luật PPP quy định về nguồn chi trả chi phí chấm dứt hợp đồng trước thời hạn là nguồn vốn nhà nước. Điều 82 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP quy định chi tiết nguồn vốn nhà nước thực hiện chi trả chi phí chấm dứt hợp đồng trước thời hạn gồm: vốn đầu tư công, dự phòng vốn đầu tư công, nguồn vốn hợp pháp khác. Tuy nhiên, do Luật Đầu tư công chưa quy định cụ thể việc bồi thường chấm dứt hợp đồng trước thời hạn là một đối tượng được sử dụng vốn đầu tư công nên việc cân đối, bố trí vốn đầu tư công chưa thể thực hiện. Để xử lý khoảng trống này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đề xuất bổ sung quy định tại Luật Đầu tư công về đối tượng sử dụng vốn đầu tư công; trình tự, thủ tục, thẩm quyền bố trí vốn đầu tư công cho việc mua lại doanh nghiệp dự án PPP hoặc bồi thường chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc mua lại dự án khó khăn thu phí sẽ có tác dụng tốt cho thị trường vì nó không chỉ giúp giải tỏa khoản nợ xấu của ngân hàng mà còn giúp các dự án khác có được niềm tin về khả năng thu hồi vốn.

Bên cạnh đó, theo nhiều ý kiến, cần bổ sung thêm các cơ chế để giải quyết tranh chấp hợp đồng giúp sớm làm rõ mức độ thiệt hại, trách nhiệm các bên để xử lý phù hợp. Khảo sát từ nhiều doanh nghiệp, VCCI cho biết, hình thức giải quyết tranh chấp đầu tiên luôn là thương lượng. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, hình thức này chỉ phù hợp với một số tranh chấp trong phạm vi thẩm quyền giải quyết của cơ quan trực tiếp tham gia ký kết hợp đồng. Trong trường hợp việc giải quyết tranh chấp đòi hỏi sự tham gia của các cơ quan khác hoặc phải do cấp cao hơn quyết định thì hình thức này không hiệu quả.

Một số nhà đầu tư cho biết, trong các hợp đồng trước đây ký với Nhà nước, điều khoản giải quyết tranh chấp chỉ cho phép khởi kiện tại tòa án Việt Nam mà không có các hình thức khác. Các nhà đầu tư luôn ngần ngại khi phải khởi kiện ra tòa án vì tâm lý “được vạ thì má đã sưng”. Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) khuyến nghị nên áp dụng các hình thức giải quyết tranh chấp khác như trọng tài sẽ phù hợp hơn.

Theo VCCI, với các hợp đồng PPP đã ký kết mà không có quy định về việc giải quyết tranh chấp tại trọng tài hoặc hòa giải, Nhà nước có thể chấp nhận những hình thức này để giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn như hiện nay.

Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ 2.2 và Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ 3 sẽ được nhà đầu tư chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền lần lượt vào tháng 4/2024 và tháng 3/2025. Ảnh minh họa: Phúc An

Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ 2.2 và Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ 3 sẽ được nhà đầu tư chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền lần lượt vào tháng 4/2024 và tháng 3/2025. Ảnh minh họa: Phúc An

Khoảng trống cơ chế tiếp nhận dự án hết hợp đồng

Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3 được ký hợp đồng BOT vào năm 2001 và đi vào vận hành thương mại từ năm 2004 và 2005, đều có thời hạn vận hành 20 năm. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, 2 dự án sẽ được nhà đầu tư chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền lần lượt vào tháng 4/2024 và tháng 3/2025. Tuy nhiên, cho đến nay, đề xuất về việc giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị tiếp nhận công trình vẫn chưa được xem xét, chấp thuận do chưa làm rõ được cơ sở lựa chọn EVN.

Vướng mắc của 2 dự án điện này cũng sẽ xảy ra với nhiều dự án khác khi hết hạn hợp đồng nếu quy định pháp lý chưa đầy đủ.

Điều 77 và 78 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP đã quy định về nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục chuyển giao, tiếp nhận công trình, hệ thống hạ tầng đối với dự án PPP. Theo đó, cơ quan ký kết hợp đồng có trách nhiệm báo cáo cấp có thẩm quyền giao cơ quan, đơn vị có đủ năng lực và nguồn lực cần thiết để vận hành, kinh doanh và bảo trì công trình, hệ thống hạ tầng. Tuy nhiên, theo các ý kiến, chưa có tiêu chí để lựa chọn đơn vị đủ năng lực, nguồn lực tiếp nhận chuyển giao.

Bộ KH&ĐT cho rằng, để cấp có thẩm quyền có cơ sở xác định cơ quan, đơn vị có đủ năng lực và nguồn lực cần thiết để giao thực hiện nhiệm vụ vận hành, kinh doanh và bảo trì công trình, hệ thống hạ tầng, cần nghiên cứu, bổ sung tiêu chí lựa chọn đơn vị được giao tiếp nhận tại Nghị định số 35/2021/NĐ-CP, trong đó có tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm vận hành, khả năng sẵn sàng về nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực và nguồn lực cần thiết khác.

Một số vấn đề khác tại Nghị định số 35/2021/NĐ-CP cần sửa đổi sớm, đồng thời để đáp ứng tiến độ phía Nhà nước nhận chuyển giao 2 dự án trên, Bộ KH&ĐT đề xuất tổ chức xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2021/NĐ-CP theo trình tự rút gọn, trình Chính phủ trong quý I/2024.

Đại diện VARSI và VCCI nhấn mạnh sự cần thiết phải lấp sớm khoảng trống pháp luật trong chuyển giao dự án khi nhà đầu tư hoàn thành hợp đồng; đồng thời cần có cả quy định xử lý trong trường hợp chậm chuyển giao khi hết hợp đồng.

Chuyên đề