Lấp kẽ hở gian lận năng lực của tổ chức đấu giá tài sản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thông tư số 02/2022/TT-BTP hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản (TCĐGTS) sau 2 năm thực hiện đã bộc lộ những bất cập trong tiêu chí đánh giá năng lực, kinh nghiệm của TCĐGTS, gây khó khăn trong quá trình đánh giá.
Người có tài sản rất khó xác định số lượng hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản cùng loại mà tổ chức đấu giá tài sản đã thực hiện trong năm trước liền kề. Ảnh: Lê Tiên
Người có tài sản rất khó xác định số lượng hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản cùng loại mà tổ chức đấu giá tài sản đã thực hiện trong năm trước liền kề. Ảnh: Lê Tiên

Nguyên nhân là TCĐGTS lợi dụng kẽ hở của các tiêu chí này để gian lận trong kê khai năng lực, kinh nghiệm, làm sai lệch kết quả lựa chọn TCĐGTS. Trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Thông tư số 02, nhiều ý kiến đề xuất sửa đổi các tiêu chí đảm bảo chặt chẽ, đi kèm chế tài xử lý vi phạm.

Theo Bộ Tư pháp, hiện người có tài sản rất khó xác định số lượng hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản cùng loại mà TCĐGTS đã thực hiện trong năm trước liền kề (chiếm số điểm 6/100 trong bảng tiêu chí đánh giá, chấm điểm). Do đó, nhiều TCĐGTS tự kê khai số lượng hợp đồng này, dẫn đến có những trường hợp kê khai không đúng, gian lận, khó kiểm soát.

Với tiêu chí “nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc đóng góp vào ngân sách nhà nước trong năm trước liền kề, trừ thuế giá trị gia tăng” (chiếm 5/100 điểm), thực tiễn ghi nhận trường hợp, một số TCĐGTS nộp thuế với số tiền tạm nộp vượt số thuế thực tế cần nộp với ý đồ dùng tài liệu này để được đánh giá điểm cao. Nhưng thực tế sau đó, số thuế tạm nộp vượt số thuế thực tế cần nộp lại được cơ quan thuế khấu trừ mức chênh lệch và trả lại người nộp thuế.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cho biết, với tiêu chí “chênh lệch cao giữa giá khởi điểm với giá trúng đấu giá” (chiếm 18/100 điểm, trong đó, chênh lệch dưới 20% đạt 10 điểm; chênh từ 20% - dưới 40% đạt 12 điểm; chênh từ 40% - dưới 70% đạt 14 điểm; chênh từ 70% - dưới 100% đạt 16 điểm; chênh từ 100% trở lên đạt 18 điểm), một số TCĐGTS đạt điểm cao nhờ có hợp đồng đấu giá với chênh lệch hàng nghìn %, nhưng thực tế người trúng đấu giá “bất thường” đã bỏ cọc.

Khảo sát thực tế cho thấy, tháng 9/2023, Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh Bắc Giang lựa chọn TCĐGTS để thực hiện bán đấu giá tài sản của đơn vị này. Có 2 TCĐGTS nộp hồ sơ đăng ký tham gia, gồm: Công ty Đấu giá hợp danh DHL, Công ty Đấu giá hợp danh Phú Minh 139. Căn cứ kết quả chấm điểm, Công ty Đấu giá hợp danh Phú Minh 139 (địa chỉ chi nhánh tại TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) đạt tổng số điểm 85/100, được chọn tổ chức đấu giá. Tuy nhiên, tháng 11/2023, Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh Bắc Giang nhận được đơn tố cáo về việc Công ty Đấu giá hợp danh Phú Minh 139 khai khống hồ sơ năng lực để được lựa chọn. Căn cứ báo cáo giải trình của TCĐGTS và xác minh, Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh Bắc Giang đã phải hủy bỏ kết quả lựa chọn TCĐGTS với lý do Công ty Đấu giá hợp danh Phú Minh 139 đã cố ý cung cấp thông tin không chính xác trong hồ sơ năng lực.

Theo ông Lê Anh Linh, đấu giá viên Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam, do quy định thiếu chặt chẽ nên có sự lợi dụng quy định pháp luật để trục lợi trong quá trình lựa chọn TCĐGTS. Ví dụ, nhiều TCĐGTS muốn đạt điểm cao ở tiêu chí “chênh lệch cao giữa giá khởi điểm với giá trúng đấu giá” nên chỉ lựa chọn kê khai các hợp đồng đấu giá bán được giá cao mà không kê khai đầy đủ tất cả các hợp đồng đã thực hiện, dẫn đến việc không đánh giá đầy đủ năng lực, kinh nghiệm của TCĐGTS…

Hiện nay, Bộ Tư pháp yêu cầu các TCĐGTS phải nộp báo cáo hoạt động hàng năm kèm theo danh mục các hợp đồng đã thực hiện. Ông Lê Anh Linh đề xuất, có thể công khai thông tin báo cáo và danh mục hợp đồng này để làm cơ sở đối chiếu hồ sơ năng lực của TCĐGTS, tránh việc kê khai gian lận, không đúng với thực tế. Với tiêu chí “nộp thuế”, cần kèm theo giấy xác nhận của cơ quan thuế về số thuế thu nhập doanh nghiệp phải thực hiện và số tiền đã nộp tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá thì mới đảm bảo chính xác.

Luật sư, đấu giá viên Đỗ Thị Hồng Hạnh (Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt) cho rằng, việc sửa đổi Thông tư số 02/2022/TT-BTP nên bổ sung tiêu chí này theo hướng “thông tin nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc đóng góp vào ngân sách nhà nước được tính theo báo cáo quyết toán thuế do cơ quan thuế xác nhận”.

Ở góc nhìn khác, bà Phan Thanh Hằng, Giám đốc Công ty Đấu giá hợp danh Thiên Bình nêu quan điểm, không nên quy định số thuế nộp ngân sách nhà nước để tính điểm theo các mức tiền đóng thuế mà nên đặt tiêu chí không nợ thuế và không nợ ngân sách nhà nước là tối thiểu. Tiêu chí này dễ kiểm tra, xác minh và chủ tài sản có quyền quyết định việc nộp thuế của TCĐGTS nhiều hay ít để đánh giá cộng thêm điểm trong quá trình lựa chọn TCĐGTS.

Liên quan đến việc TCĐGTS kê khai không trung thực trong hồ sơ năng lực, Luật Đấu giá tài sản năm 2016, Nghị định số 62/2017/NĐ-CP và Thông tư số 02/2022/TT-BTP chưa có chế tài đối với hành vi này. Do đó, trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản, Bộ Tư pháp đề xuất bổ sung vào Điều 9 Luật Đấu giá tài sản (các hành vi bị nghiêm cấm) hành vi cố ý cung cấp thông tin không chính xác hoặc giả mạo hồ sơ tham gia lựa chọn TCĐGTS. Khi Luật được thông qua, nghị định hướng dẫn thi hành sẽ quy định chi tiết hơn các chế tài xử lý đối với từng loại hành vi bị cấm, theo trách nhiệm hình sự nếu kê khai không trung thực, giả mạo hồ sơ và trách nhiệm hành chính nếu chỉ dừng lại ở hành vi kê khai sai thông tin…

Chuyên đề