Làm mới Luật Thuế thu nhập cá nhân: Đến lúc sửa đổi bất cập về bậc thuế, mức thuế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau 15 năm thực thi với nhiều lần sửa đổi, việc xây dựng Dự án Luật thuế thu nhập cá nhân (thay thế) được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá để thực thi sắc thuế này một cách ổn định, công bằng và minh bạch. Trong đó, những nội dung được quan tâm và gây nhiều tranh cãi nhất là cách tính giảm trừ gia cảnh, quy định về bậc thuế và cách tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) với giao dịch bất động sản.
Việc nâng mức giảm trừ gia cảnh và giảm bậc thuế của biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền công, tiền lương sẽ giảm gánh nặng cho người nộp thuế. Ảnh: Song Lê
Việc nâng mức giảm trừ gia cảnh và giảm bậc thuế của biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền công, tiền lương sẽ giảm gánh nặng cho người nộp thuế. Ảnh: Song Lê

Dự án đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025), thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 5/2026).

Tại Báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Thuế TNCN, Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu điều chỉnh quy định về mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế và người phụ thuộc. Theo quy định hiện hành, từ năm 2020 đến nay, mức giảm trừ đối với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng, mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Bộ Tài chính cho rằng, cần thiết phải rà soát, đánh giá lại để đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung quy định về giảm trừ gia cảnh bảo đảm phù hợp với biến động của giá cả, sự gia tăng mức sống dân cư trong giai đoạn vừa qua, dự báo cho thời gian tới, đồng thời không làm giảm vai trò của chính sách thuế TNCN trong hệ thống thuế.

Trong đó, về nghiên cứu bổ sung các khoản giảm trừ đặc thù khác, Luật Thuế TNCN hiện hành quy định về giảm trừ cho bản thân người nộp thuế, giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc mà người nộp thuế phải nuôi dưỡng; đồng thời quy định không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, các khoản trợ cấp, phụ cấp đặc thù, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo…

Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hầu hết pháp luật thuế TNCN của các nước đều quy định ba nhóm giảm trừ gồm: giảm trừ chung cho cá nhân người nộp thuế; các khoản giảm trừ cho người phụ thuộc, như giảm trừ cho con, cho vợ hoặc chồng, bố, mẹ…; các khoản giảm trừ có tính chất đặc thù (ví dụ, giảm trừ cho chi phí y tế, giáo dục…).

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, phạm vi các khoản chi được giảm trừ, mức độ được giảm trừ cần phải được cân nhắc, tính toán phù hợp để vừa đạt được mục tiêu đề ra nhưng cũng không làm giảm vai trò của chính sách thuế TNCN dưới phương diện là một công cụ điều tiết, thực hiện phân phối lại thu nhập.

Về bậc thuế, Luật Thuế TNCN hiện hành quy định Biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công với 7 bậc thuế: 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% và 35%. Qua rà soát cơ cấu biểu thuế hiện nay và nghiên cứu xu hướng cải thiện về mức sống dân cư trong thời gian tới cũng như kinh nghiệm quốc tế, Bộ Tài chính cho rằng, Việt Nam có thể nghiên cứu để cắt giảm số bậc thuế từ 7 bậc xuống mức phù hợp. Đồng thời, xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, bảo đảm điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao. Thực hiện theo hướng này sẽ góp phần đơn giản hóa, giảm số bậc thuế nhằm tạo thuận lợi cho công tác kê khai, nộp thuế của người nộp thuế.

Về thuế suất TNCN đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, chính sách thuế TNCN hiện hành không phân biệt theo thời gian nắm giữ bất động sản của người chuyển nhượng. Bộ Tài chính cho rằng, để điều tiết hợp lý, tránh tình trạng đầu cơ, có thể nghiên cứu để thực hiện thu thuế đối với TNCN từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ như kinh nghiệm của một số nước.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, việc bổ sung các khoản chi thiết yếu trong cuộc sống vào khoản giảm trừ gia cảnh khi tính thuế TNCN là hợp lý, song cần tính toán kỹ càng để đưa ra cách tính các khoản giảm trừ. Theo đó, có thể quy định mang tính “khung” tại Luật và giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể tại các văn bản dưới luật để bảo đảm thực thi hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế.

Số thu thuế TNCN trong tổng thu NSNN qua các năm. Nguồn: Bộ Tài chính

Số thu thuế TNCN trong tổng thu NSNN qua các năm. Nguồn: Bộ Tài chính

Tương tự, Luật sư Trương Thanh Đức cũng đồng tình với việc giảm và giãn bậc thuế theo hướng có thể rút từ 7 bậc xuống còn 3 bậc để đơn giản hóa trong thực hiện đồng thời vẫn có thể không giảm nguồn thu. Cụ thể, bậc đầu tiên 5% áp dụng cho ngưỡng thu nhập tính thuế thấp để mở rộng phạm vi chịu thuế ở mức thấp theo nguyên lý thuế thu nhập cá nhân chứ không phải là thuế thu nhập cao. Sau đó, chỉ còn 2 bậc là 15% và 30% với khoảng cách xa về ngưỡng thu nhập chịu thuế và bỏ bậc 35%. Trong đó, bậc 30% chỉ dành cho giới siêu giàu, chẳng hạn thu nhập trên 1 tỷ đồng/tháng theo giá hiện nay thay vì mức thu nhập trăm triệu cũng phải chịu ngưỡng thuế quá cao trong khi đó không phải là mức thu nhập quá lớn trong điều kiện sống đô thị hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín đánh giá cao việc sửa đổi toàn diện Luật Thuế TNCN, trong đó bổ sung các khoản chi cần thiết cho cuộc sống của người nộp thuế và người phụ thuộc như chi cho giáo dục, y tế. Tuy nhiên, cần có quy định cụ thể trong luật để tránh tình trạng lợi dụng chính sách và gây thiếu công bằng. “Để tạo sự công bằng và hài hòa giữa người nộp thuế, Luật cần xác định ngưỡng chi trả hài hòa. Ví dụ, chỉ chấp nhận mức học phí tương ứng mức trường công lập, viện phí theo mức của bệnh viện công. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát với sự phối hợp giữa các bên về bảo hiểm, y tế, giáo dục, cơ quan thuế để kiểm tra hồ sơ chứng từ, bảo đảm phản ánh trung thực, khách quan, tránh trục lợi”, ông Được nói.

Về giảm và giãn bậc thuế, theo ông Được, cần giảm xuống còn 5 bậc thay vì 7 bậc như hiện nay. Trong đó, nghiên cứu lợi ích và đánh giá tác động của việc bỏ bậc thuế cao nhất (35%). Đồng thời, nên giãn rộng khoảng cách thu nhập ở các bậc thuế thấp và “co hẹp” ở các bậc thuế cao. Chẳng hạn, quy định hiện hành là thu nhập chịu thuế từ 0 - 5 triệu đồng/tháng chịu thuế suất 5% có thể thay bằng thu nhập chịu thuế từ 0 - 10 triệu đồng/tháng mới chịu thuế suất đó. Tương tự, khoảng cách thu nhập tính thuế ở bậc 5 và bậc 6 hiện là 8 triệu đồng có thể thay bằng 10 triệu đồng…

Về thuế TNCN với chuyển nhượng bất động sản, ông Được cho rằng, đã đến lúc phải tính thuế theo thu nhập thực tế chứ không phải theo tỷ lệ % trên giá giao dịch như quy định hiện hành để tránh tình trạng lỗ cũng phải chịu thuế. Điều này hoàn toàn phù hợp và khả thi trong điều kiện việc liên thông cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan đã được đẩy mạnh.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư