Làm mới lợi thế cạnh tranh thu hút FDI

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Hội nghị gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2024 vừa diễn ra, các nhà đầu tư nước ngoài chung nhận định, Việt Nam đang và vẫn sẽ là điểm đến đầu tư hấp dẫn hàng đầu. Tuy nhiên, để củng cố vị thế trong cuộc đua toàn cầu, Việt Nam cần liên tục đánh giá và duy trì, làm mới lợi thế cạnh tranh của mình.
Phần lớn doanh nghiệp đầu tư nước ngoài bày tỏ sự tin tưởng và cam kết tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Ảnh: Tuấn Anh
Phần lớn doanh nghiệp đầu tư nước ngoài bày tỏ sự tin tưởng và cam kết tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Ảnh: Tuấn Anh

Việt Nam được đánh giá là điểm đến đầu tư hàng đầu

Ông Joseph Uddo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng, Việt Nam đang có vị trí thuận lợi để thu hút các khoản đầu tư lớn khi các công ty đa quốc gia đang tăng cường tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, hơn một nửa thành viên của Amcham thông tin rằng, họ đang kinh doanh đạt kế hoạch hoặc tốt hơn kỳ vọng.

Ông Muto Shiro, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cho biết, trước tình trạng gián đoạn sản xuất do dịch Covid-19 và căng thẳng địa chính trị, Việt Nam đã nâng cao uy tín nhờ việc khẳng định vị thế thuận lợi trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Việt Nam được xếp hạng là quốc gia có triển vọng thứ hai trên thế giới để các công ty Nhật Bản mở rộng kinh doanh.

Theo ông Nitin Kapoor, Đồng chủ tịch VBF, trước những thách thức toàn cầu chưa từng ghi nhận trước đây, Việt Nam đã thể hiện khả năng thích ứng vượt trội, nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho FDI sau năm 2022. Dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng liên tục trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng của nhiều quốc gia chậm lại, nhờ một nền kinh tế năng động và linh hoạt.

Khảo sát từ 655 lãnh đạo doanh nghiệp FDI của VBF cho thấy, dù gặp nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn duy trì được sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp nước ngoài, đứng trong TOP 3 điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư. Phần lớn doanh nghiệp cho biết họ rất tin tưởng và cam kết tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Môi trường kinh doanh ở Việt Nam hấp dẫn nhờ bối cảnh chính trị ổn định, chi phí lao động thấp và thị trường tiêu dùng ngày một lớn. Do đó, Chính phủ cần tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ để tăng trưởng bền vững.

Việt Nam đang có vị trí thuận lợi để thu hút các khoản đầu tư nước ngoài lớn khi các công ty đa quốc gia đang tăng cường tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: Tuấn Anh

Việt Nam đang có vị trí thuận lợi để thu hút các khoản đầu tư nước ngoài lớn khi các công ty đa quốc gia đang tăng cường tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: Tuấn Anh

Đề xuất đánh giá, làm mới lợi thế cạnh tranh

Để duy trì, củng cố vị thế Việt Nam trong cuộc đua toàn cầu vô cùng gay gắt, ông Joseph Uddo cho rằng, như các nước sở hữu chuỗi cung ứng lớn khác, Việt Nam cần liên tục đánh giá lợi thế cạnh tranh của mình là gì.

Theo ông Uddo, nền kinh tế năm 2023 đã bộc lộ một số điểm yếu, bao gồm sự phụ thuộc mạnh mẽ vào xu hướng thị trường nước ngoài, khu vực tư nhân trong nước dễ bị tổn thương, thủ tục hành chính còn một số bất cập và tình trạng thiếu nguồn cung cấp điện. Hành động của Chính phủ có thể giúp đất nước duy trì lợi thế cạnh tranh khi các nhà đầu tư toàn cầu tìm kiếm các điểm đến đầu tư và sản xuất trên khắp Tây bán cầu, châu Á, châu Phi và châu Âu.

AmCham chú trọng vào các ưu tiên của Việt Nam trong việc tháo gỡ các nút thắt trong huy động nguồn lực sản xuất và kinh doanh; giải quyết nhu cầu phát triển năng lượng và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và tái tạo; khai thác toàn bộ tiềm năng của nền kinh tế số; bảo đảm khả năng tiếp cận, chi trả và đổi mới trong ngành y tế; thúc đẩy đầu tư bền vững và tích hợp chuỗi cung ứng; phát triển khu vực tài chính trong đó có thị trường vốn…

“Yếu tố quan trọng nhất tạo nên môi trường đầu tư thuận lợi là môi trường pháp lý công bằng, minh bạch, dễ dự đoán và tinh giản, coi trọng sự đổi mới để không chỉ thu hút đầu tư mới mà còn để duy trì và phát triển các dự án đầu tư hiện tại”, đại diện AmCham nhấn mạnh.

Để khuyến khích các công ty Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị của khu vực FDI, JCCI đề xuất, Chính phủ nên phát hiện và phát triển các doanh nghiệp Việt có năng lực công nghệ, giới thiệu họ với các đơn vị sản xuất nước ngoài và tạo cơ hội kết nối kinh doanh.

AmCham cũng khuyến nghị, Chính phủ cung cấp thêm nhiều khoản hỗ trợ cho những nhà sản xuất vừa và nhỏ, bởi đây là một phần thiết yếu của các ngành công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, theo AmCham, các nhà sản xuất quốc tế gặp khó khăn trong việc bán các cơ sở mà họ đã xây dựng/đầu tư và những người mua tiềm năng gặp khó khăn trong việc xin được phê duyệt, thực hiện các giao dịch mua cũng như xin giấy phép kinh doanh cho các dự án này. “Xây dựng một thị trường chuyển nhượng dự án hiện hữu, hiệu quả là yếu tố hỗ trợ quan trọng cho các dự án đầu tư vào Việt Nam”, đại diện AmCham đề xuất.

Ông Muto Shiro cho biết, theo khảo sát của JETRO năm 2023, các thủ tục hành chính phức tạp như cấp giấy phép được coi là rủi ro lớn nhất tại môi trường đầu tư của Việt Nam đối với các công ty Nhật Bản. Mặc dù Chính phủ đã xác định các vấn đề và thực hiện nhiều cải cách khác nhau như đơn giản hóa luật và các quy định, số hóa thủ tục hành chính, nhưng doanh nghiệp vẫn mong muốn được thấy nhiều nỗ lực hơn nữa để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, JCCI cho rằng để Việt Nam tiếp tục tăng trưởng kinh tế bền vững, không rơi vào bẫy thu nhập trung bình, cần phải khuyến khích đổi mới, phát triển các ngành có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Chìa khóa để phát triển kinh tế Việt Nam là tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo khảo sát của JETRO, tỷ lệ nội địa hóa của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam chỉ tăng 10% trong 10 năm qua, cần phải đẩy nhanh hơn nữa. Để khuyến khích các công ty Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị của khu vực FDI, JCCI đề xuất, Chính phủ nên phát hiện và phát triển các doanh nghiệp Việt có năng lực công nghệ, giới thiệu họ với các đơn vị sản xuất nước ngoài và tạo cơ hội kết nối kinh doanh.

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) lưu ý, cần có biện pháp bổ sung liên quan đến việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu. Việc quy định thuế tối thiểu toàn cầu chính thức được áp dụng từ năm 2024 đang gây ra lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam về việc các ưu đãi thuế họ được hưởng hiện nay có thể trở nên gần như vô nghĩa.

Chuyên đề