Đầu tư xanh để hai bên cùng thắng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với chủ đề “Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh”, nhiều ý kiến tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2024 (VBF 2024) khuyến nghị những giải pháp để tăng cường đầu tư xanh, tăng trưởng xanh. Doanh nghiệp FDI tiên phong, đồng hành cùng Chính phủ thực hiện những mục tiêu tăng trưởng xanh, và ngược lại, doanh nghiệp cũng sẽ thu được những lợi ích mới trong bối cảnh tăng trưởng xanh là xu thế dẫn dắt đầu tư toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các nhà đầu tư FDI tiếp tục cải thiện vốn đầu tư theo hướng xanh, số; góp phần xây dựng thể chế xanh - số; phát triển thúc đẩy nguồn nhân lực; quản trị tiên tiến. Ảnh: Lê Tiên
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các nhà đầu tư FDI tiếp tục cải thiện vốn đầu tư theo hướng xanh, số; góp phần xây dựng thể chế xanh - số; phát triển thúc đẩy nguồn nhân lực; quản trị tiên tiến. Ảnh: Lê Tiên

Đầu tư xanh đem lại lợi ích cho cả hai bên

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), để duy trì khả năng cạnh tranh, Việt Nam cần thiết lập các tiêu chuẩn rõ ràng và đẩy nhanh tốc độ ban hành các văn bản pháp luật hỗ trợ các cam kết mạnh mẽ của COP26 về tính bền vững và phát thải ròng bằng "0". EuroCham kiến nghị hợp nhất các tiêu chuẩn ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) hiện có thành các nguồn luật toàn diện và cụ thể và thông qua các luật bổ sung để khắc phục những lỗ hổng hiện có và quy định các trường hợp rõ ràng hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức giữa các bên liên quan thuộc khu vực tư nhân và Nhà nước về tầm quan trọng của các tiêu chuẩn ESG trong đầu tư M&A. Tính minh bạch, bền vững và bảo vệ môi trường trong toàn bộ khu vực hành chính nhà nước cần được chú trọng thông qua hành chính công và hướng đầu tư M&A vào các mục tiêu phát thải ròng bằng "0" của Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện cho nhà đầu tư tìm hiểu về các tác động môi trường của việc đầu tư vào Việt Nam.

Qua thu thập ý kiến từ 665 lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài, báo cáo của VBF chỉ ra, giải pháp xanh, đầu tư xanh là 1 trong 2 trọng tâm chiến lược để củng cố năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Việt Nam cần tích cực thúc đẩy các giải pháp theo định hướng thị trường để bổ sung công nghệ xanh về năng lượng, quản lý chất thải và xử lý nước. Điều này nâng cao tính bền vững về môi trường và thu hút các công ty tập trung vào ESG, một phân khúc đang ngày càng phát triển trong thị trường toàn cầu hóa ngày nay. Doanh nghiệp ngày càng ưu tiên các yếu tố ESG khi đưa ra quyết định đầu tư. Tuân thủ các tiêu chuẩn ESG là điều cần thiết để thu hút doanh nghiệp FDI đang có kế hoạch thiết lập hoặc mở rộng hoạt động hoạt động hiện có.

"Bằng cách ưu tiên các hành động chiến lược để thúc đẩy đầu tư xanh và đầu tư vào lực lượng lao động tương lai, Việt Nam có thể củng cố vị thế là điểm đến FDI hàng đầu, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn và thực hiện trách nhiệm với môi trường", báo cáo của VBF nhận định.

Trao đổi với nhà đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Trong quá trình đó, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng; đặc biệt là với thế mạnh về vốn, công nghệ, quản trị, mạng lưới, thị trường…, các doanh nghiệp FDI phải đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt, đồng hành cùng doanh nghiệp trong nước thực hiện các mục tiêu của Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, giá trị doanh nghiệp tăng song hành cùng trách nhiệm "xanh", trách nhiệm xã hội và "xanh" trong điều hành, quản trị của mỗi doanh nghiệp. "Vì vậy, tôi mong muốn các nhà đầu tư đang có ý tưởng, bắt đầu khởi sự kinh doanh hay khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo sẽ hướng tới phát triển xanh, bền vững, có sự lan tỏa, gắn kết với cộng đồng để cùng chung tay xây dựng một nền kinh tế xanh toàn diện, hướng tới đạt được mục tiêu hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.

Diễn đàn Doanh nghiệp năm 2024 khai mạc sáng 19/3/2024, tại Hà Nội. Ảnh: Lê Tiên

Diễn đàn Doanh nghiệp năm 2024 khai mạc sáng 19/3/2024, tại Hà Nội. Ảnh: Lê Tiên

3 đảm bảo, 3 đẩy mạnh và 3 tăng cường từ phía Việt Nam

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị 2 trong 1, vừa gặp gỡ nhà đầu tư nước ngoài, vừa làm diễn đàn doanh nghiệp.

Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ tiếp thu đầy đủ để sau Hội nghị ban hành chỉ thị về tăng trưởng xanh. Theo đó có đầy đủ công cụ thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Thủ tướng mong muốn các nhà đầu tư FDI tiếp tục cải thiện vốn đầu tư theo hướng xanh, số; góp phần xây dựng thể chế xanh - số; phát triển thúc đẩy nguồn nhân lực; quản trị tiên tiến. Kêu gọi doanh nghiệp FDI trong tăng trưởng xanh với 3 tiên phong và 3 đẩy mạnh. Đó là tiên phong trong nhận thức, tư duy và hành động về tăng trưởng xanh; tiên phong chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ cho tăng trưởng xanh; tiên phong có dự án, hành động cụ thể để làm mới động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời bổ sung động lực tăng trưởng mới (kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, tri thức)

Và 3 đẩy mạnh, đó là đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm quản lý tham vấn chính sách cho Việt Nam, nhất là các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi xanh, số; đẩy mạnh hỗ trợ tài chính, kỹ thuật vào các dự án có tính chất đột phá; đẩy mạnh phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao quản trị cho các ngành kinh tế xanh - số.

Thủ tướng cũng khẳng định, Việt Nam sẽ thực hiện 3 đảm bảo, 3 đẩy mạnh và 3 tăng cường.

3 đảm bảo gồm: đảm bảo quyền ích chính đáng của các doanh nghiệp FDI phát triển ổn định, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; đảm bảo ổn định về chính trị, an toàn xã hội để các nhà đầu tư kinh doanh lâu dài; đảm bảo ổn định về năng lượng, chuyển đổi xanh.

3 đẩy mạnh gồm: một là đột phá về thể chế; hai là đột phá về hạ tầng giao thông, y tế, hạ tầng cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số để giúp doanh nghiệp giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh; ba là cải cách hành chính, giúp giảm chi phí tuân thủ…

3 tăng cường gồm: tăng cường lòng tin doanh nghiệp FDI với Chính phủ và các cấp chính quyền để an tâm đầu tư lâu dài; tăng cường tính công khai minh bạch, phòng chống tham nhũng; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững.

Chuyên đề