Lãi vay quá cao, lo ngại sức chống chịu của doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang phải chấp nhận chi phí vốn vay bằng ngoại tệ ở mức 13 - 17%/năm. Với mức lãi này, các doanh nghiệp phải chấp nhận rủi ro về khả năng trả nợ ở tương lai để đối phó với tình trạng thiếu hụt nguồn vốn khẩn cấp. Do đó, cần giải quyết các ách tắc trên thị trường vốn để tăng sức chống chịu của doanh nghiệp trong năm sau, tạo nền tảng cho phát triển bền vững trung hạn và dài hạn.
Nhiều doanh nghiệp chấp nhận huy động vốn với lãi suất cao để đối phó với tình trạng thiếu hụt nguồn tiền. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều doanh nghiệp chấp nhận huy động vốn với lãi suất cao để đối phó với tình trạng thiếu hụt nguồn tiền. Ảnh: Lê Tiên

Thời gian gần đây, kênh huy động vốn qua trái phiếu trong nước ảm đạm, nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp thành công trong việc thực hiện huy động vốn vay quốc tế. 10 giao dịch được công bố gần đây có tổng giá trị 1,915 tỷ USD bao gồm Tập đoàn Masan (600 triệu USD), VPBank (500 triệu USD), SeABank (200 triệu USD), Chứng khoán Bản Việt (105 triệu USD), Chứng khoán VNDirect (75 triệu USD), F88 (60 triệu USD), Vinfast (135 triệu USD), Tập đoàn Novaland (40 triệu USD), Tập đoàn Lộc Trời (100 triệu USD) và Be Group (100 triệu USD).

Theo đánh giá của bộ phận xếp hạng tín nhiệm FiinRatings thuộc Hãng phân tích tài chính Fiin Group, mức lãi suất huy động vốn nợ này có thể sẽ cao hơn các giao dịch huy động thời gian trước do bối cảnh lãi suất tăng cao và chi phí bảo hiểm rủi ro tỷ giá được tính thêm. FiinRatings tính toán, chi phí vốn nợ thực tế (bao gồm lãi suất danh nghĩa, chi phí bảo hiểm tỷ giá, chi phí bảo lãnh và phí giao dịch) bằng ngoại tệ có thể dao động ở mức 13 - 17% tùy theo kỳ hạn. Các khoản vay ngoại tệ đã góp phần giải quyết vấn đề áp lực đáo hạn nợ và nhu cầu tái cơ cấu nợ của một số doanh nghiệp.

Trong khi đó, thông tin từ một số ngân hàng thương mại cổ phần trong nước cho biết, lãi suất vay bằng USD với doanh nghiệp hiện phổ biến ở mức 7,6 - 8,5%/năm với kỳ hạn từ 5 đến 12 tháng và 9,5%/năm với kỳ hạn trên 1 năm. Về điều kiện giải ngân, bên cạnh các yêu cầu về có tài sản bảo đảm và phương án kinh doanh khả thi, các khoản vay bằng ngoại tệ còn phải chứng minh được nguồn thu để trả nợ bằng ngoại tệ, chẳng hạn hợp đồng xuất khẩu đã ký kết với đối tác.

Với các khoản vay bằng VND, hiện mức lãi suất vay sản xuất, kinh doanh là từ 13 - 16%. Giám đốc một doanh nghiệp chia sẻ: “Tính đầy đủ các khoản phải chi, chi phí lãi vay được ngân hàng đề xuất là 16,5%/năm, đây là lãi suất quá cao cho hoạt động của doanh nghiệp.

Theo TS. Châu Đình Linh, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, mức lãi vay cao như vậy là quá ngưỡng chống chịu của doanh nghiệp, hay nói cách khác, nhiều doanh nghiệp đang bế tắc về vốn nên đành phải chấp nhận mức lãi suất đó để có tiền giải quyết những bài toán cấp bách.

“Dù nhiều doanh nghiệp cần nhưng chỉ có số ít có thể huy động vốn trên thị trường quốc tế. Lãi suất cao như vậy cũng có nghĩa là họ chấp nhận rủi ro về khả năng trả nợ trong tương lai để đối phó với các khoản phải trả đã hoặc sắp đến hạn. Vì vậy, trong thời gian tới, cần có các giải pháp để khôi phục hoạt động bình thường của thị trường vốn, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp để giảm áp lực quá lớn cho kênh tín dụng trong năm sau”, ông Linh nhấn mạnh.

Theo TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, các kênh dẫn vốn của nền kinh tế đang rất khó khăn, cần có sự điều chỉnh để tiếp tục phát triển thị trường cổ phiếu lành mạnh, xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả. Quá trình này đòi hỏi không chỉ sự phát triển tích cực của các định chế tài chính, tính hợp lý của các chính sách điều tiết, mà còn cải thiện hiểu biết về tài chính của nhà đầu tư cũng như người dân.

“Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trước hết cần lấy lại niềm tin từ các nhà đầu tư với thông tin đầy đủ, minh bạch. Bên cạnh đó là cam kết chính sách từ Chính phủ, những cơ quan có trách nhiệm quản lý. Tiếp đến là phương án xử lý các vấn đề phát sinh, các sai phạm. Cuối cùng là có hành động, chính sách thực tế để hạn chế những tác động tiêu cực đối với thị trường. Phải làm nhanh, đồng bộ để ổn định tâm lý thị trường và đặc biệt là ổn định dòng chảy vốn”, TS. Võ Trí Thành đề xuất.

Chuyên đề