Lãi vay bào mòn lợi nhuận của Cienco 4

(BĐT) - Nợ chiếm trên 88% giá trị tổng tài sản của Cienco 4, đẩy công ty này trước gánh nặng nợ vay hàng năm. Năm 2015 và quý I/2016, gần một nửa lãi gộp của Công ty được dành để chi trả lãi vay.
Cienco 4 vừa thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 720 tỷ đồng lên đến 1.500 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Cienco 4 vừa thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 720 tỷ đồng lên đến 1.500 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Nợ chiếm 88% tổng tài sản

Cienco 4 vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2016 với lợi nhuận tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ, đạt 45,5 tỷ đồng (cùng kỳ 2015 đạt 12,4 tỷ đồng). Kết quả này có được chủ yếu nhờ vào việc cải thiện biên lãi gộp, tăng từ mức 9,4% quý I/2015 lên 14,2% quý I năm nay. Tuy vậy, so với quy mô vốn điều lệ 720 tỷ đồng, kết quả kinh doanh của Cienco 4 vẫn chưa thể gọi là “thành tích” đáng kể.

Mặt khác, tại thời điểm cuối quý I/2016, tổng nợ phải trả của Cienco 4 lên tới 6.575 tỷ đồng, tăng 6,2% so với số dư đầu năm và chiếm 88,2% tổng tài sản tại cùng thời điểm. Có nghĩa là, cứ 100 đồng tổng tài sản của Cienco 4, có tới hơn 88 đồng đến từ nợ, chỉ gần 12 đồng là vốn chủ sở hữu.

Trong đó, nợ vay ngắn và dài hạn của Cienco 4 đạt 3.610 tỷ đồng, vượt xa vốn điều lệ của Công ty. Báo cáo tại ĐHCĐ thường niên 2016 vừa qua, ban lãnh đạo Cienco 4 cho biết hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn của Công ty vẫn đảm bảo lớn hơn 1 lần. Tuy vậy, với gánh nặng nợ vay như đã đề cập sẽ dẫn đến tình trạng thiếu vốn đối ứng, cản trở việc triển khai các công trình lớn của Công ty.

Ngay trong quý I/2016, chi phí lãi vay của Cienco 4 đã lên tới 75%, tương đương 45,5% lãi gộp đạt được trong kỳ. Đó cũng là chi phí lớn nhất của Công ty trong quý I vừa qua. Năm 2015, chi phí lãi vay cũng chiếm tỷ lệ tương đương, đạt 198 tỷ đồng.

Căn cứ báo cáo tài chính riêng Công ty mẹ năm 2015 (sau kiểm toán), BIDV hiện đang là chủ nợ lớn nhất của Cienco 4 với 787 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 1.947 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Với khoản nợ dài hạn, BIDV trực tiếp quản lý nguồn thu phí khai thác đường sau khi hoàn thành.

Kế hoạch tăng gấp đôi vốn điều lệ

Năm 2015, Cienco 4 lãi sau thuế 90 tỷ đồng. ĐHCĐ thường niên 2016 của Công ty đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2016 với chỉ tiêu doanh thu và LNST lần lượt đạt 6.500 tỷ đồng và 128 tỷ đồng. Cổ tức dự kiến năm 2016 không dưới 15%. Tổng nợ phải trả cuối năm 2016 dự kiến đạt 7.243 tỷ đồng, trong đó 4.160 tỷ đồng là nợ vay, cao hơn số dư cuối quý I vừa qua.
Năm 2015, Cienco 4 đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 600 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng thông qua 2 đợt phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với mức giá 10.000 đồng/CP. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Công ty mới chỉ thực hiện phát hành đợt 1, tăng vốn điều lệ lên mức 720 tỷ đồng.

Chưa dừng lại đó, ĐHCĐ thường niên 2016 vừa qua của Cienco 4 đã thông qua kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên mức 1.500 tỷ đồng. Sẽ có 2 đợt phát hành trong năm 2016 như sau:

Đợt 1: Phát hành cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ từ 720 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu phát hành tương đương 28 triệu đơn vị, giá phát hành 10.000 đồng/CP. Số tiền thu về ước đạt 280 tỷ đồng. Đây là đợt phát hành theo Nghị quyết ĐHCĐ thường niên năm ngoái.

Đợt 2: Phát hành riêng lẻ 50 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ mức 1.000 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng. Mức giá phát hành không dưới 10.000 đồng/CP, tương đương số tiền thu về tối thiểu là 500 tỷ đồng nếu đợt phát hành thành công. Cổ phiếu phát hành riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.

Tổng số tiền Cienco có thể thu về qua 2 đợt phát hành trong năm nay, khoảng 780 tỷ đồng, sẽ được ủy quyền cho HĐQT xây dựng phương án sử dụng chi tiết.

Cơ cấu vốn sử dụng đòn bẩy cao như đã đề cập ở trên là một trong những nguyên nhân khiến Cienco 4 lên kế hoạch tăng vốn khủng. Ngoài ra, Cienco đang chuẩn bị tham gia nhiều dự án khác như tuyến tránh TP. Sơn La, đường bộ cao tốc đoạn Nghi Sơn - Vinh - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), cầu Cừa Hội (Bến Thủy 3) theo hình thức PPP với nhu cầu vốn chủ sở hữu đầu tư rất lớn, xấp xỉ 1.500 tỷ đồng. Cienco 4 còn tham vọng mở rộng đầu tư thêm nhiều lĩnh vực ngành nghề mới như bất động sản, thủy điện, cảng biển…

Chuyên đề