Lãi suất sẽ ra sao trước áp lực lạm phát?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Lãi suất huy động của một số ngân hàng và lãi suất liên ngân hàng có xu hướng tăng nhẹ, phản ánh nhu cầu huy động vốn của một số tổ chức tín dụng gia tăng. Trong thời gian tới, mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất là khó đạt được dưới sức ép từ xu hướng lạm phát tăng, song cần nỗ lực kìm hãm đà tăng của lãi suất để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn.
Từ cuối tháng 3/2022, một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn khác nhau. Ảnh: Lê Tiên
Từ cuối tháng 3/2022, một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn khác nhau. Ảnh: Lê Tiên

Từ ngày 15/4/2022, Ngân hàng VPBank tăng lãi suất huy động tại nhiều kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất cao nhất tại ngân hàng này là 6,9%/năm, áp dụng cho khách hàng gửi tiết kiệm online từ 50 tỷ đồng trở lên với kỳ hạn 36 tháng, tăng 0,2 điểm %. Tại kỳ hạn 24 tháng, lãi suất tiết kiệm online của VPBank tăng 0,4 - 0,5 điểm % lên 6 - 6,8%/năm.

Trước đó, từ cuối tháng 3/2022, một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn khác nhau. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cho vay qua đêm và các kỳ hạn ngắn tăng nhẹ từ 0,04 đến 0,23 điểm %.

Công ty CP Chứng khoán VNDirect nhận định, năm 2022, lãi suất huy động khó có thể duy trì ở mức thấp như năm 2021 do một số nguyên nhân. Đó là, nhu cầu huy động vốn cao hơn khi tín dụng tăng tốc, áp lực lạm phát gia tăng, cạnh tranh gay gắt hơn với các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán để thu hút dòng vốn. VNDirect kỳ vọng lãi suất huy động tăng 0,3 - 0,5 điểm % năm 2022.

Theo VNDirect, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng cho đến ít nhất là cuối quý II/2022 do một số nguyên nhân. Trước hết, chỉ số giá tiêu dùng bình quân nửa đầu năm 2022 dự báo tăng 2,5% so với cuối năm 2021, thấp hơn nhiều so với mức trần 4%, dù áp lực lạm phát dự kiến sẽ gia tăng trong những tháng tới. Ngoài ra, sức cầu trong nước vẫn tương đối yếu, chưa phục hồi hoàn toàn về mức bình thường trước đại dịch. NHNN vẫn ưu tiên mục tiêu duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, lãi suất tiền gửi tiết kiệm nhích tăng ở một số ngân hàng cho thấy nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng tăng. Nếu lãi suất huy động tiếp tục tăng, ắt lãi suất cho vay cũng sẽ tăng, có thể gây khó cho việc tiếp cận vốn để phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tác động bất lợi đến việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá cả nhiều loại hàng hóa tăng cao, việc tăng lãi suất điều hành, qua đó tăng mặt bằng lãi suất chung được coi là giải pháp cần thiết để giảm đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng, ổn định kinh tế vĩ mô.

TS. Châu Đình Linh, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, việc tăng lãi suất huy động chỉ diễn ra rải rác tại một số ngân hàng. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng chỉ nhích tăng nhẹ, chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn, lãi suất kỳ hạn 9 tháng chủ yếu vẫn giữ ở mức 4%. Cả hai loại lãi suất này phản ánh tình trạng thiếu hụt thanh khoản tạm thời ở một số ngân hàng, xu hướng tăng lãi suất chưa rõ rệt.

Tuy nhiên, độ trễ của việc thực hiện chính sách hỗ trợ tài khóa - tiền tệ, xu hướng tăng giá nguyên vật liệu trên thị trường khiến sức ép lạm phát tăng trong thời gian tới là khá rõ rệt, gây khó cho nỗ lực giảm lãi suất của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ.

“Trong thời gian tới, bên cạnh việc tích cực thực hiện nhiều biện pháp để ổn định giá cả hàng hóa, cần chú trọng các giải pháp điều hành lãi suất, điều tiết thị trường tiền tệ phù hợp với biến động của thị trường. Có thể tăng lãi suất điều hành để góp phần kiểm soát lạm phát song cần giữ mặt bằng lãi suất ở mức không quá cao để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đẩy nhanh quá trình hồi phục kinh tế - xã hội”, ông Linh nói.

Chuyên đề