Lãi suất liên ngân hàng giảm sâu, thanh khoản vẫn thiếu cục bộ

0:00 / 0:00
0:00
Lãi suất VND liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm chỉ còn khoảng 1,62%/năm, giảm khá mạnh so với mặt bằng trên 2% trước đó nhưng nhà điều hành vẫn hỗ trợ qua OMO...
Lãi suất liên ngân hàng giảm sâu, thanh khoản vẫn thiếu cục bộ

Ghi nhận trên thị trường liên ngân hàng ngày 20/4, lãi suất chào bình quân VND giảm 0,01 – 0,10 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn 1 tháng trở xuống.

Theo đó, các mức lãi suất dừng tại: qua đêm 1,90%/năm; 1 tuần 2,14%/năm; 2 tuần 2,19%/năm và 1 tháng 2,27%/năm.

Đáng chú ý, mặc dù lãi suất giao dịch giữa các thành viên giảm mạnh và thấp hơn rất nhiều so với mức lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ vốn (2,5%/năm kỳ hạn 14 ngày), nhưng kênh cầm cố (OMO) vẫn hoạt động. Tổng khối lượng nhà điều hành đang hỗ trợ các thành viên khoảng 2.470 tỷ đồng.

Điều này cho thấy, thanh khoản hệ thống ngân hàng tương đối ổn định và chỉ thiếu hụt cục bộ ở một số ngân hàng.

Thực tế, ngay phiên sau ngày 20/4, lãi suất VND liên ngân hàng tiếp tục giảm sâu hơn nữa khi kỳ hạn qua đêm chỉ còn quanh 1,62%/năm và kỳ hạn 1 tuần cũng còn 1,98%/năm.

Tại kỳ khảo sát đầu tháng, thành viên của Hội Nghiên cứu thị trường Liên ngân hàng Việt Nam đều đưa ra dự báo mức lãi suất VND liên ngân hàng trên 2%/năm, và trung bình khoảng 2,27%/năm cho kỳ hạn 1 tuần. Nhưng như đã nói, lãi suất VND liên ngân hàng đã giảm sâu qua mức dự kiến này.

Trước đó, số liệu của Ngân hàng Nhà nước công bố cho biết, tăng trưởng tín dụng tính tới hết quý 1/2022 đạt 5,04%. Diễn biến này cũng đồng nghĩa với việc chỉ trong khoảng 10 ngày cuối tháng 3, dư nợ tín dụng đã tăng thêm khoảng 1 điểm phần trăm (từ mức 4,03% tính tới ngày 21/3/2022).

Mức tăng 5,04% tới cuối tháng 3 cũng là mức tăng mạnh nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Sự mở cửa ổn định của nền kinh tế sau các tháng phong tỏa của năm 2021 nhờ tiêm phủ vaccine đã giúp cho các hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục trở lại.

Sự hồi phục này cũng kéo theo nhu cầu về vốn cao hơn, làm căng thẳng thanh khoản hệ thống ngân hàng trong thời gian đó, khiến mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cao hơn giai đoạn 2 năm 2020-2021. Điển hình, kỳ hạn qua đêm luôn trên 2%/năm, trong khi trước đó chỉ vào khoảng hơn 1%/năm.

Chuyên đề