Lãi suất giảm, tín dụng vẫn “xa tầm với”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Lãi suất huy động và lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,5 - 1,5 điểm % so với cuối năm ngoái. Tuy vậy, lãi suất cho vay ở mức xấp xỉ 10% vẫn được đánh giá cao so với khả năng sinh lời đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục các giải pháp giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.
Lãi suất cho vay trên thị trường cho doanh nghiệp sản xuất thông thường đang dao động ở mức 10 - 10,5%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng và 11 - 12%/năm với kỳ hạn 12 tháng. Ảnh: Song Lê
Lãi suất cho vay trên thị trường cho doanh nghiệp sản xuất thông thường đang dao động ở mức 10 - 10,5%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng và 11 - 12%/năm với kỳ hạn 12 tháng. Ảnh: Song Lê

Ngân hàng Techcombank vừa áp dụng biểu lãi suất huy động mới từ ngày 10/4 với việc giảm khoảng 0,1 - 0,5 điểm % so với trước đây. Theo đó, đối với hình thức gửi tiết kiệm thường, kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, lãi suất của nhà băng này chỉ còn 7,5%/năm. GPBank cũng điều chỉnh lãi suất từ ngày 11/4 và giảm 0,3 điểm % ở các kỳ hạn từ 6 tháng, hiện lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng tại nhà băng này được niêm yết với mức 8,3%/năm. Thống kê cho thấy, khoảng 13 ngân hàng đã đưa lãi suất huy động về dưới mốc 8%/năm.

Tại báo cáo về kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý II/2023 vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, các TCTD nhận định, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong quý I/2023 tiếp tục duy trì ở trạng thái “tốt” và đã có sự cải thiện rõ rệt so với quý IV/2022. Các TCTD dự báo, tình hình thanh khoản sẽ giữ ổn định trong quý II/2023 và tiếp tục được cải thiện trong năm 2023 so với năm 2022.

Các TCTD kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bình quân toàn hệ thống giảm 0,08 - 0,1 điểm % trong quý II/2023 và giảm 0,19 - 0,34 điểm % trong cả năm 2023.

Về lãi suất cho vay, Ngân hàng BIDV cho biết, lãi suất cho vay hiện ở mức 9,2%/năm cố định năm đầu và thả nổi các năm tiếp theo với biên độ cộng theo biến động của lãi suất huy động áp dụng cho vay mua nhà. Với cho vay kinh doanh, lãi suất 9,2% áp dụng với tài sản thế chấp là bất động sản.

Thống kê của SSI Research cho biết, tăng trưởng tín dụng chậm lại là nguyên nhân chính khiến các ngân hàng thương mại giảm mặt bằng lãi suất cho vay tương đối nhanh đối với những nhóm ngành ít rủi ro. Mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường cho doanh nghiệp sản xuất thông thường đang dao động ở mức 10 - 10,5%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng và 11 - 12%/năm với kỳ hạn 12 tháng, trong khi lãi suất cho vay tiêu dùng hay cho vay mua nhà vẫn duy trì, khoảng 14%/năm.

Theo nhóm nghiên cứu thuộc Công ty Chứng khoán VNDIRECT, lãi suất tiền gửi 12 tháng bình quân có thể giảm về 7% vào cuối năm 2023 do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể kết thúc chu kỳ tăng lãi suất điều hành vào giữa năm 2023, qua đó giảm áp lực lên tỷ giá cũng như lãi suất của Việt Nam trong nửa cuối năm nay; nhu cầu vay giảm do tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản ảm đạm; Chính phủ thúc đẩy đầu tư công, qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế.

Ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, chính sách nới lỏng tiền tệ của Việt Nam qua hai lần giảm lãi suất điều hành trong tháng 3 là bước đi hợp lý, phù hợp với xu hướng chung về việc giảm thắt chặt tiền tệ của các nước trên thế giới. Trong quý I/2023, tại châu Á, chỉ còn 35% chính sách liên quan đến việc tăng lãi suất, con số này của năm 2022 là 51%. Fed vừa tăng lãi suất 25 điểm cơ bản nhưng đồng thời quay lại nới lỏng định lượng. Các ngân hàng trung ương có xu hướng nới lỏng tiền tệ hơn và việc NHNN chuyển hướng chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng cũng nằm trong xu hướng đó.

Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14 - 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. NHNN cho biết, tính đến ngày 28/3/2023, tín dụng toàn nền kinh tế mới tăng 2,06% so với cuối năm 2022.

“Việc giảm lãi suất điều hành của NHNN sẽ ngấm vào lãi suất huy động và cho vay, nên có thể kỳ vọng mặt bằng lãi suất sẽ giảm trong thời gian tới dù không hẳn là giảm nhiều. Lãi suất cho vay ở mức 9,5 - 10% cũng là tương đối cao, do đó, luôn cần kiểm soát dòng tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro”, ông Cường nhấn mạnh.

Từ góc độ doanh nghiệp, TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho biết, lãi suất cho vay hiện vẫn ở mức trên 10% với vay 1 năm, kỳ hạn dài hơn là trên 11%/năm. Bên cạnh đó, ngân hàng vẫn đòi hỏi các yêu cầu về tài sản thế chấp khắt khe và định giá tài sản thế chấp ở mức thấp hơn trước nên doanh nghiệp không dễ tiếp cận vốn. “Cùng với giá vốn tín dụng cao, các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về thị trường khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh khó có lãi ở thời điểm này. Do đó, nhiều doanh nghiệp đành ngồi chơi tạm. Có thể lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm nhưng nếu vẫn ở mức trên 9% thì thực sự không mang lại hiệu quả kinh doanh”, ông Mạc Quốc Anh chia sẻ.

Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết, lãi suất vay cao là cản trở lớn với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp gần như không tiếp cận được gói 120.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất từ 1,5 - 2%. “NHNN cần có biện pháp hạ lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại, có thể khống chế tỷ lệ biên độ lãi ròng ở mức hợp lý để các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế hiện nay nhằm hạ lãi suất cho vay”, ông Hưng nhấn mạnh.

Chuyên đề