Lạc quan với lợi nhuận ngân hàng năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp sẽ tăng trở lại trong năm 2021, cùng với mặt bằng lãi suất huy động giảm là những yếu tố giúp cải thiện lợi nhuận của các ngân hàng thương mại trong năm 2021. Nhiều dự báo lợi nhuận của hệ thống ngân hàng trong năm 2021 có thể tăng 10%, thậm chí tăng đến 17% so với năm 2020.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Kết quả cuộc điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) tháng 12/2020 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện cho thấy, do tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng tăng chậm lại rõ rệt trong năm 2020, nhưng được kỳ vọng tăng trưởng khả quan trở lại trong năm 2021, dẫn đầu là kỳ vọng về nhu cầu vay thương mại và dịch vụ, đặc biệt là vay xuất, nhập khẩu.

Dự kiến 6 tháng đầu năm và cả năm 2021, các TCTD tiếp tục tập trung cho vay các lĩnh vực có tiềm năng phục hồi tăng trưởng mạnh như bán buôn, bán lẻ, xuất nhập khẩu, phục vụ nhu cầu đời sống…

Về xu hướng kinh doanh trong quý I/2021, các TCTD nhận định, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm rõ rệt trong năm 2020 và kỳ vọng tiếp tục giảm nhẹ trong quý I/2021. Huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 3,5% trong quý I/2021 và tăng 11,9% trong năm 2021. Hầu hết các nhóm TCTD đều nâng mức dự báo về tăng trưởng huy động vốn năm 2021, ngoại trừ nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ. Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được các TCTD dự báo tăng 3,6% trong quý I/2021 và tăng 13% trong năm 2021.

Tương tự, tại Báo cáo triển vọng ngành ngân hàng năm 2021, nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán SSI đặt kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2021 trong khoảng 13% đến 14%. Con số này cao hơn mức ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2020 là khoảng 11 - 12% và tương đối sát với trung bình tăng trưởng tín dụng năm 2018 và 2019 là trên 13%.

Ước tính của SSI dựa trên quan điểm về khả năng phục hồi của nền kinh tế nhờ việc điều chế vaccine Covid-19 thành công. Bên cạnh đó, do việc thắt chặt các điều kiện phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp theo Nghị định 81/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp có khả năng quay lại với các khoản vay ngân hàng.

Trên cơ sở đó, SSI dự báo lợi nhuận của hệ thống ngân hàng thương mại sẽ tăng mạnh mẽ trở lại. Theo đó, năm 2021, các ngân hàng thương mại quốc doanh ước tính đạt tăng trưởng lợi nhuận trước thuế ở mức đến 30%, trong khi tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng thương mại cổ phần được dự báo ở mức trên 17% do lợi nhuận trước thuế 2020 của các ngân hàng thương mại quốc doanh ở mức thấp (giảm 6% so với 2019).

Các động lực tăng trưởng lợi nhuận trước thuế chính trong năm 2021 bao gồm: tăng trưởng thu nhập lãi thuần mạnh mẽ hơn nhờ mở rộng tín dụng, chi phí vốn giảm do lãi suất huy động giảm.

Dù vậy, SSI cũng chỉ ra một số rủi ro với tín dụng trong năm 2021. Đó là, dịch bệnh Covid-19 quay trở lại và Việt Nam tiếp tục trì hoãn việc mở cửa sẽ dẫn đến tỷ lệ nợ xấu tăng cao, cũng như chi phí tín dụng tăng. Bên cạnh đó, rủi ro từ bong bóng bất động sản cũng được đề cập. Giá nhà đất đã tăng đáng kể trong những năm gần đây và làm tăng sức nóng của thị trường bất động sản.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, năm 2021, các ngân hàng sẽ tiếp tục giảm chỉ tiêu lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp.

Dù gặp khó khăn do Covid-19, ước tính lợi nhuận toàn ngành tăng khoảng 8 - 10% trong năm 2020. Tuy nhiên, nếu so với các giai đoạn trước thì mức tăng này vẫn khá thấp, chỉ bằng 1/3 so với năm trước. Hơn nữa, lợi nhuận công bố và ước tính của các nhà băng trong năm 2020 chưa phản ánh hết khó khăn, thách thức của hệ thống ngân hàng do có độ trễ sau khi tác động tới doanh nghiệp và người dân và việc chưa chuyển nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/NHNN-TT.

“Sắp tới, NHNN sẽ sửa đổi Thông tư 01 theo hướng ngân hàng phải trích lập dần dự phòng rủi ro cho khoản nợ xấu, nên sẽ ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2021. Nếu may mắn thì lợi nhuận ngân hàng năm 2021 có thể tăng khoảng 10% so với năm trước”, ông Lực nhấn mạnh.

Chuyên đề