Lạc quan về phục hồi kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2021 với nhiều khó khăn, thách thức đã đi qua. Năm 2022, trong bối cảnh nhiều biến động, cơ hội và thách thức đan xen, nhưng hầu hết chuyên gia, doanh nghiệp (DN) đều có niềm tin, kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi, tăng trưởng tốt hơn. Báo Đấu thầu trân trọng gửi tới quý độc giả một số ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý và DN.
Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo tốc độ tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam là 6,5% dựa trên nhiều khía cạnh tích cực. Ảnh: Tường Lâm
Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo tốc độ tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam là 6,5% dựa trên nhiều khía cạnh tích cực. Ảnh: Tường Lâm

ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,5% dựa trên nhiều yếu tố tích cực

Ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tốc độ tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam là 6,5% dựa trên nhiều khía cạnh tích cực. Thứ nhất, với tỷ lệ bao phủ vaccine của Việt Nam trong năm 2021 được tiếp tục duy trì, đẩy mạnh trong năm 2022, là tín hiệu rất tích cực cho sự phục hồi kinh tế. Bởi, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn là dấu hỏi lớn thì độ phủ vaccine luôn là yếu tố quan trọng nhất có tác động đến việc người lao động quay trở lại làm việc, giảm tải chi phí cho y tế, hạn chế bớt biện pháp giãn cách xã hội… Điều này sẽ có ảnh hưởng tích cực tới tăng trưởng. Thứ hai, mặc dù giải ngân đầu tư công trong năm 2021 vẫn chưa đạt được như kỳ vọng nhưng ADB nhìn nhận đầu tư công trong năm 2022 của Việt Nam sẽ được thực hiện tốt hơn, tác động đa chiều tới tăng trưởng.

Ngoài ra, trong năm 2022, Việt Nam sẽ thực hiện gói kích cầu, có thể không lớn như nhiều chuyên gia dự báo nhưng ít nhất sẽ có những tác động tích cực tới tăng trưởng. Những yếu tố trên cộng hưởng lại sẽ hỗ trợ cho kinh tế về tiêu dùng, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ… trong năm 2022.

Tuy nhiên, trong năm 2022, ngoài những rủi ro đến từ dịch bệnh Covid-19 thì lạm phát cũng là một trong những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt. Năm 2022, kinh tế toàn cầu rất khó dự đoán, có những xu hướng trái chiều nhau (Mỹ và châu Âu có xu hướng siết chặt chính sách tài khóa, tiền tệ; trong khi Trung Quốc lại nới lỏng); địa chính trị phức tạp, xung đột tại một số nơi… Những điều này làm kinh tế toàn cầu có sự bất ổn, khó đoán định.

Hiện tượng đầu cơ, nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn an toàn do bất ổn định của thế giới sẽ làm đảo chiều dòng vốn… Trong khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, chịu tác động từ kinh tế thế giới; những nhân tố trên cùng với việc Việt Nam sẽ triển khai các gói phục hồi kinh tế sẽ tác động rất mạnh tới lạm phát của Việt Nam trong năm 2022.

Triển vọng về kinh tế năm 2022 sẽ lạc quan hơn

Ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam

Trong bối cảnh hiện nay, việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 là câu hỏi luôn được đặt ra, vì nó ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ phát triển kinh tế của thế giới cũng như các cường quốc. Với bối cảnh các nền kinh tế lớn bị tác động như vừa qua thì Việt Nam cũng không là ngoại lệ, và điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động đầu tư.

Tuy nhiên, theo tôi, triển vọng về kinh tế năm 2022 chắc chắn sẽ lạc quan hơn năm 2021 rất nhiều. Với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình trong nhiều năm qua ở mức xấp xỉ 6 - 7%, Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến lý tưởng để đầu tư so với các nước trong khu vực, trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thị trường bất động sản.

Chúng ta có thể thấy rằng, qua các thời kỳ khủng hoảng thì lĩnh vực đầu tư thường liên quan đến các vấn đề năng lượng (ở đây là dầu mỏ), vàng, kim loại quý và bất động sản. Đối với Việt Nam, thời gian qua và tới đây, sẽ là cơ hội quý để các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhận thấy tiềm năng.

Dù các dự án bất động sản Việt Nam gặp khó khăn nhưng các nhà đầu tư trong và ngoài nước hiểu được vấn đề và rất kiên nhẫn trong việc tham gia thị trường giai đoạn này, xem đây là kênh tích lũy cho các khoản đầu tư của họ. Trong năm 2021, bất động sản nhà ở vẫn có chiều hướng gia tăng tại nhiều khu vực, đặc biệt là các tỉnh, thành phố lớn. Cho nên, trong năm 2022, khi tình hình kinh tế vĩ mô ổn định trở lại, chắc chắn thị trường sẽ khởi sắc.

Nhiều dư địa phục hồi

TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh

Năm 2021, Việt Nam chịu ảnh hưởng rất lớn của dịch Covid-19 nên tăng trưởng đạt trên dưới 2%, thấp nhất trong cả quá trình đổi mới của Việt Nam. Đà phục hồi bắt đầu trở lại nhưng DN vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh đó, độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất lớn, vì vậy, mức độ phục hồi của kinh tế Việt Nam sẽ phụ thuộc rất lớn vào mức độ phục hồi của kinh tế thế giới. Đến nay, các dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới có thể chững lại, song xét về tổng thể, đà phục hồi tăng trưởng là tương đối rõ ràng và tích cực, mặc dù có thể chưa đồng đều giữa các ngành, các quốc gia.

Tại Việt Nam, cầu thế giới vẫn đang rất tốt với nền kinh tế trong nước. Một là, xu hướng phục hồi đang được dẫn dắt bởi các nền kinh tế mạnh về đầu tư, lớn về thị trường, đều là đối tác chiến lược và toàn diện của Việt Nam, nằm trong các hiệp định thương mại tự do (FTA). Hai là, xu hướng chuyển đổi số, sản xuất xanh đang chi phối sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư.

Ngoài ra, phải kể đến quá trình phục hồi không đồng đều, tiềm ẩn rủi ro, trong đó, lớn nhất là dịch bệnh và lạm phát. Rủi ro tài chính đã “chớm nở”, được cảnh báo về đà hứng khởi, tính đầu cơ quá mức (chứng khoán, vàng, bất động sản...). Bên cạnh đó, đối với các gói hỗ trợ chưa từng có tiền lệ, việc thực thi đang bị hạn chế bởi khả năng tiếp cận của DN, người dân đối với các gói hỗ trợ này còn thấp... Tuy nhiên, Chính phủ vẫn đang tiếp tục hỗ trợ, thậm chí đang tính tới gói hỗ trợ lên tới 10% GDP. Nếu thực thi tốt chương trình hỗ trợ này thì GDP có thể tăng thêm 1 - 1,5 điểm % và DN có thêm cơ hội phục hồi nhanh chóng.

Về phía DN, cần bám sát 3 yếu tố then chốt quyết định sự phục hồi, đó là quản trị rủi ro, bắt nhịp đà phục hồi, bắt nhịp xu hướng mới. Trong đầu tư, dù đầu tư vào lĩnh vực nào, muốn phát triển bền vững, cũng cần gắn với yếu tố “xanh”, bởi đây đang là xu hướng toàn cầu. Bên cạnh đó là sự “thông minh”, tạo ra hiệu quả, năng suất. Cuối cùng là “văn hóa” - xu hướng phát triển nhân văn từ sản xuất kinh doanh đến sản phẩm, là kinh tế sáng tạo.

Đầu tư công, xuất khẩu, bán lẻ sẽ dẫn dắt nền kinh tế

Ông Đặng Xuân Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia

Mặc dù nền kinh tế trong nước phải đối diện với nhiều thách thức như áp lực lạm phát, nguy cơ bùng phát dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn được dự báo có sự phục hồi tích cực từ năm 2022. Trong đó, đầu tư công sẽ có vai trò quan trọng dẫn dắt tăng trưởng, là “vốn mồi” kích thích đầu tư tư nhân vốn bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng thời gian qua. Đầu tư công sẽ tập trung vào các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, đổi mới sáng tạo, phát triển kỹ thuật số. Từ đó kéo theo nhu cầu về vật liệu xây dựng, tạo công ăn việc làm cho nhà thầu xây dựng. Vì vậy, các DN sản xuất, cung cấp nguyên, vật liệu xây dựng (xi măng, đất cát, sắt thép, gạch, nội thất…) sẽ có xu hướng phát triển tốt từ năm 2022.

Nhóm ngành xuất khẩu như điện tử, dệt may, thủy sản, gỗ và các sản phẩm gỗ, cao su, sắt thép… cũng sẽ có triển vọng tốt trong thời gian tới. Đây là nhóm ngành được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… đang trong giai đoạn đầu thực hiện. Đặc biệt, bắt đầu từ ngày 1/1/2022, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ có hiệu lực. Bên cạnh đó, nhóm ngành này cũng được hưởng lợi từ sự giảm cung từ Trung Quốc.

Đại dịch cũng làm thay đổi mạnh mẽ trong thói quen tiêu dùng. Mua sắm trực tuyến của người dân trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng mạnh mẽ, sẽ là lực đẩy khiến thương mại điện tử và logistics tiếp tục bùng nổ trong năm 2022. Với tác động tích cực của các FTA đã ký kết, cùng với sự phục hồi của hoạt động sản xuất, nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong nước gia tăng, thương mại quốc tế của Việt Nam được kỳ vọng sẽ có tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới, kéo theo các “toa tàu” là các ngành phụ trợ như thương mại điện tử, logistics… phát triển.

Ngoài ra, cùng với sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng trong nước sau thời gian giãn cách và hạn chế đi lại để kiểm soát dịch bệnh, DN ngành thực phẩm, đồ uống, bán lẻ và hàng không cũng sẽ được hưởng lợi.

Tái cấu trúc để “hấp thụ” tối đa các ưu đãi

Ông Lê Văn Khương - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp trong năm 2022, DN sẽ vẫn tiếp tục gặp khó khăn, “sức đề kháng” suy giảm do các nguồn lực dự trữ đang cạn dần, nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế suy giảm mạnh và phục hồi chậm… Theo đó, Chính phủ cần tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch thống nhất để tạo thuận lợi cho DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, không để gián đoạn chuỗi cung ứng; đồng thời tiếp tục hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho DN như: giảm thuế thu nhập DN, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng cho một số hàng hóa, dịch vụ; cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho DN; hạ lãi suất cho vay… Bên cạnh đó, Chính phủ nên sớm triển khai các gói hỗ trợ nhằm mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại để không bị lỡ nhịp khi bước vào trạng thái bình thường mới.

Về phía mình, DN cần phải tái cấu trúc hoạt động, tối ưu hóa quy trình sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào sản xuất kinh doanh để tăng năng suất, tăng sức cạnh tranh của DN, đảm bảo đủ năng lực “hấp thụ” được các chính sách ưu đãi của Nhà nước về thuế, lãi suất, đất đai… Trên cơ sở các gói hỗ trợ của Nhà nước, DN cần đề ra trong chiến lược kinh doanh những bước đi thận trọng, linh hoạt; lựa chọn lĩnh vực phù hợp để liên doanh, liên kết phát triển trong môi trường và hệ sinh thái công nghệ số để đảm bảo việc tái cấu trúc thành công và bền vững.

Cần có chính sách đồng bộ để tạo động lực cho tăng trưởng

TS. Nguyễn Phương Bắc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh

Theo định hướng mới của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP, hoạt động kiểm soát dịch bệnh Covid-19 chuyển sang một giai đoạn mới, thực hiện mục tiêu kép trên cơ sở cân bằng giữa mục tiêu về phòng chống dịch và tăng trưởng. Đây là nền tảng cơ bản để tạo động lực cho tăng trưởng trong năm tới.

Sự kết nối của nền kinh tế Việt Nam với thế giới đang có chiều hướng tăng lên, với việc mở lại các đường bay quốc tế trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang hồi phục. Một số địa phương cũng rục rịch mở cửa du lịch, với chính sách hộ chiếu vắc xin sẽ hỗ trợ tốt hơn cho việc phát triển du lịch. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho tăng trưởng tốt hơn.

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa ra chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, cụ thể hóa Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Do vậy, Chính phủ quyết tâm dồn nguồn lực cho đầu tư công, tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư FDI trong bối cảnh mới… để có thêm nhiều nguồn lực cho tăng trưởng. Thực tế gần đây, nhiều địa phương đã và đang khởi động nhiều dự án lớn, xây dựng nhiều khu công nghiệp xanh… để thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Mặc dù có nhiều yếu tố thuận lợi như vậy, nhưng năm 2022 cũng có một số biểu hiện bất lợi như xu hướng lạm phát tăng; năng lực giới hạn của DN vừa và nhỏ trong nước... Mặt khác, xu hướng cải thiện môi trường kinh doanh đang có dấu hiệu chậm lại, nếu không thúc đẩy cải cách thì sẽ không tận dụng được cơ hội tăng trưởng nêu trên. Do vậy, ngoài hoạt động chống dịch, cần có chính sách đồng bộ về phát triển kinh tế.

Trước tiên là phải đẩy mạnh và đi sâu cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là sửa các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh. Đồng thời triển khai các gói kích thích kinh tế liên quan đến hỗ trợ chính sách thuế, đầu tư công, tín dụng… Trong đó, cần miễn, giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp cho tất cả mọi ngành, không phân biệt loại hình DN; từng ngành nghề cụ thể thì có thể giải quyết bằng những chính sách đặc thù khác.

Các vấn đề cần giải quyết sau đại dịch còn là sự đứt gãy nguồn nhân lực, logistics, sự gia tăng chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cũng như chi phí đầu vào cho sản xuất, kinh doanh…

Chuyên đề