“Vua cá tra” Hùng Vương đang phải gánh lỗ cho các công ty chân rết. Ảnh: St |
Mặc dù chưa công bố chính thức báo cáo bán niên soát xét (niên độ tài chính 2015 - 2016) cho giai đoạn 6 tháng từ 1/10/2015 - 31/3/2016, Công ty CP Hùng Vương (mã chứng khoán HVG) vừa công bố thông tin giải trình về những chênh lệch kết quả kinh doanh giữa báo cáo tài chính tự lập và sau soát xét.
Cụ thể, theo báo cáo sau soát xét, công ty mẹ Hùng Vương lãi ròng 92,8 tỷ đồng, gấp 10,3 lần kết quả trên báo cáo tài chính Công ty tự lập. Cũng theo báo cáo sau soát xét, lợi nhuận hợp nhất của Thủy sản Hùng Vương đã giảm từ mức 41,3 tỷ đồng xuống còn 17,5 tỷ đồng (phần dành cho cổ đông công ty mẹ), mức giảm lên tới 58%.
Những sai sót kỳ lạ
Trích lập dự phòng là nguyên nhân thường thấy nhất cho những chênh lệch báo cáo giữa doanh nghiệp và kiểm toán. Không nêu cụ thể khoản mục nào, Thủy sản Hùng Vương cho biết, một trong những nguyên nhân lợi nhuận hợp nhất của Công ty giảm sâu sau soát xét là do kiểm toán trích lập các khoản dự phòng. Chi phí quản lý doanh nghiệp của Hùng Vương đã tăng gần 14 tỷ đồng sau soát xét. Đây có thể là khoản trích lập dự phòng mà văn bản của công ty này nói đến.
Thay đổi lớn nhất trong báo cáo của Thủy sản Hùng Vương là phần lợi nhuận trong công ty liên kết, liên doanh. Từ mức lãi 28,7 tỷ đồng ghi nhận theo báo cáo tự lập, kiểm toán báo cáo soát xét đã ghi nhận khoản lỗ 29,4 tỷ đồng. Lợi nhuận của Công ty giảm tới 58,1 tỷ đồng vì khoản mục này. Ngoài ra, mặc dù lãi gộp của Hùng Vương đã được điều chỉnh tăng 44,5 tỷ đồng sau soát xét, sai lệch lên tới hàng nghìn tỷ đồng về số liệu doanh thu và giá vốn hàng bán của Công ty cũng khiến cổ đông giật mình.
Không ít thì nhiều, tất cả các khoản mục trong báo cáo kết quả kinh doanh của công ty này đều được điều chỉnh sau soát xét. Một doanh nghiệp lớn, có vốn điều lệ hàng nghìn tỷ đồng như Hùng Vương, việc lập báo cáo tài chính lại cẩu thả đến mức khó tin.
Cũng tương tự, báo cáo của riêng công ty mẹ Hùng Vương cũng chênh lệch đáng kể sau soát xét, ở tất cả các khoản mục kết quả kinh doanh khiến kết quả lợi nhuận tăng hơn 10 lần, đạt 94,4 tỷ đồng sau thuế. Nguyên nhân được Công ty cho biết là do ghi nhầm doanh thu, giá vốn nghiệp vụ bán hàng phát sinh.
Đằng sau những sai sót
Nếu đặt báo cáo tài chính hợp nhất và công ty mẹ trước và sau soát xét, điều người đọc nhận ra ngay là mối tương quan giữa lợi nhuận hợp nhất và lợi nhuận công ty mẹ của Hùng Vương đã thay đổi đáng kể.
Báo cáo của Công ty tự lập cho thấy, kết quả kinh doanh hợp nhất của Hùng Vương cao hơn lợi nhuận riêng công ty mẹ. Tuy nhiên mối tương quan bị đảo lộn với báo cáo sau soát xét: trong khi công ty mẹ lãi tới 92,8 tỷ đồng thì lợi nhuận hợp nhất chỉ đạt 17,5 tỷ đồng. Điều này chỉ rõ, kết quả kinh doanh của các công ty con và công ty liên kết của Hùng Vương “không tốt”, thậm chí thua lỗ.
Theo báo cáo (chưa soát xét) của Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng, công ty con đóng góp chủ yếu vào lợi nhuận của Hùng Vương, lợi nhuận sau thuế của công ty này đạt 58,3 tỷ đồng, giảm gần nửa tỷ đồng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, dấu hiệu đáng lo ngại ở Việt Thắng không phải là lợi nhuận (ít nhất theo báo cáo tự lập của Công ty), mà là các khoản nợ vay. Trong 6 tháng, số dư nợ vay của Việt Thắng đã tăng vọt lên mức 2.139 tỷ đồng từ mức 862 tỷ đồng ban đầu.
Việt Thắng đã tự nguyện hủy niêm yết từ tháng 12 năm ngoái sau khi Hùng Vương thâu tóm gần như toàn bộ cổ phần công ty này. Từ thời điểm đó, việc công bố thông tin của Việt Thắng cũng trở nên thưa thớt.
Chưa thể khẳng định mắt xích yếu trong các công ty con, công ty liên doanh liên kết của Hùng Vương nằm ở đâu. Tuy nhiên, việc lợi nhuận hợp nhất thấp hơn lợi nhuận riêng công ty mẹ là một tín hiệu không hay đối với 1 doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con như Thủy sản Hùng Vương. Hiện tại, Công ty vẫn chưa công bố chính thức báo cáo soát xét, vì thế thông tin chi tiết về các khoản mục cũng chưa thể chỉ ra cụ thể.