Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV: Thảo luận ở tổ về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, tiếp tục ngày làm việc thứ tư (26/5), Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Cảnh sát cơ động và thảo luận ở tổ về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Buổi sáng, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Sau đó, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động.

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, ngày 26/5/2022
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, ngày 26/5/2022

Sau khi nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Tại phiên thảo luận đã có 21 đại biểu phát biểu, 1 ý kiến đại biểu tranh luận; trong đó, đa số ý kiến đại biểu thống nhất với nhiều nội dung của Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động của UBTVQH và cho rằng, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã được tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung theo ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, các chuyên gia, nhà khoa học và Đoàn đại biểu Quốc hội.

Bên cạnh đó, để tiếp tục góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về một số nội dung cụ thể như: Phạm vi điều chỉnh của Luật; Giải thích từ ngữ “Biện pháp vũ trang”; Vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động; Nguyên tắc hoạt động của Cảnh sát cơ động; Xây dựng Cảnh sát cơ động; Hợp tác quốc tế của Cảnh sát cơ động; Nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động; Quyền hạn của Cảnh sát cơ động; Bảo vệ sự kiện, mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội; Bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt; Vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân; Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; Hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động; Huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự; Kinh phí và cơ sở vật chất bảo đảm cho Cảnh sát cơ động; Trang bị của Cảnh sát cơ động; Chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động; Điều động Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ; Trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Trách nhiệm và chế độ chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ Cảnh sát cơ động; Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận.

Kết thúc phiên thảo luận, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới thay mặt cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra phát biểu tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Ngày 27/5/2022 (thứ Sáu), buổi sáng, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Buổi chiều, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Chuyên đề