Lãnh đạo Công ty CP Liên doanh Đầu tư quốc tế KLF đề nghị cổ đông hãy kiên nhẫn chờ đợi kết quả kinh doanh khả quan của Công ty trong quý III/2016. Ảnh: Minh Thư |
Trên thị trường, giá cổ phiếu KLF phản ứng khá tiêu cực. Trong 1 năm qua, cổ phiếu KLF liên tục lao dốc, từ mức gần 8.000 đồng xuống khoảng 3.200 đồng/CP. Tài khoản của cổ đông KLF vì vậy đã bốc hơi tương đối.
“Nóng” từ những phút đầu tiên
Không chờ đến phần chất vấn, ĐHCĐ thường niên 2016 của KLF “nóng” ngay từ những phút đầu tiên liên quan đến việc bầu cử HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới (2016 - 2020).
Theo luật định, cổ đông/nhóm cổ đông muốn đề cử thành viên vào HĐQT, họ sẽ phải nắm giữ ít nhất 5% cổ phần công ty trong tối thiểu 6 tháng. Việc đề cử phải được cổ đông/nhóm cổ đông trình trước khi tổ chức cuộc họp. Tuy nhiên, với KLF, thực tế là toàn bộ cổ đông đã từ bỏ quyền của chính mình. HĐQT đã đề cử những ứng viên chính là những thành viên HĐQT cũ, trong đó có người thậm chí không nắm giữ cổ phần của Công ty.
Về nhiệm vụ, HĐQT là nhóm người đại diện cổ đông quản lý hoạt động của công ty, nhằm tối đa hóa lợi ích cho cổ đông, những ông chủ thực sự của công ty. Việc một thành viên HĐQT không sở hữu hoặc sở hữu không đáng kể cổ phần công ty dĩ nhiên sẽ khiến cổ đông có những nghi ngại nhất định.
Trước sức ép của cổ đông, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch HĐQT KLF cam kết, cá nhân ông sẽ đăng ký mua vào tối thiểu 500.000 cổ phiếu trong vòng 1 tháng tới nếu trúng cử vào HĐQT nhiệm kỳ mới. Ông Trần Thế Anh, thành viên HĐQT cũng cam kết sẽ mua 200.000 cổ phiếu. Tính theo mức giá hiện hành, ông Nguyễn Văn Thanh và ông Trần Thế Anh sẽ phải bỏ ra khoảng 1,6 tỷ đồng và 640 triệu đồng để thực hiện lời hứa với cổ đông trong vòng 1 tháng tới. Tuy nhiên, ông Thế Anh cũng nhấn mạnh, việc mua cổ phiếu của ban lãnh đạo không bảo đảm cho cổ phiếu tăng giá trên thị trường.
Đề nghị cử một ứng viên hoàn toàn mới vào HĐQT Công ty cuối cùng cũng không được thông qua do e ngại những vướng mắc về mặt luật pháp về sau này.
“Mong cổ đông kiên nhẫn”
Sâu xa hơn, về cơ bản năm 2015, KLF đã có một kỳ kinh doanh không yên ả. Mặc dù doanh thu đạt 1.731 tỷ đồng, tăng 8,3% so với năm 2014, lợi nhuận của Công ty lại giảm sâu 43,6%, còn chưa đến 47 tỷ đồng. Đại diện KLF cho biết, nguyên nhân là do Công ty đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng tiêu dùng như sữa, bánh kẹo nhập khẩu… Những mặt hàng này tuy mang lại doanh số lớn nhưng trong giai đoạn mở rộng thị trường lại “ngốn” rất nhiều chi phí, khiến lợi nhuận bị thu hẹp.
Về việc đầu tư của KLF, cổ đông đề nghị Công ty phải mang về lợi nhuận ít nhất bằng lãi suất ngân hàng khi sử dụng nguồn tiền từ cổ đông. Đại diện KLF cũng cho biết, số vốn của Công ty quả thực rất lớn, tuy nhiên khoảng một nửa số vốn đó đã được đầu tư vào Dự án FLC Complex 36 Phạm Hùng, Hà Nội. Theo quy định, phải đến khi bàn giao nhà, KLF mới có thể ghi nhận lợi nhuận. Dự án này được Công ty đánh giá cao về tốc độ thực hiện và sức hấp dẫn về lâu dài.
Theo kế hoạch, có thể KLF sẽ thoái vốn khỏi Dự án nêu trên trước khi bàn giao nhà để có thể sớm ghi nhận lợi nhuận, đồng thời không quên lấy lại khoảng 1 - 2 sàn làm văn phòng cho thuê, tạo nguồn thu đủ để chi trả lương cho cán bộ, công nhân viên KLF. Tuy nhiên, nếu không tìm được mức giá phù hợp, Công ty sẽ chờ đợi để “hái quả ngọt” về sau này.
Hơn một lần, lãnh đạo KLF đề nghị cổ đông hãy kiên nhẫn chờ đợi kết quả kinh doanh khả quan của Công ty trong quý III năm nay.
Năm 2016, KLF đề xuất kế hoạch tương đối thận trọng với chỉ tiêu doanh thu và LNTT lần lượt là 1.850 tỷ đồng và 73 tỷ đồng, tăng lần lượt 6,87% và 19,18% so với kết quả thực hiện năm 2015 vừa qua.
Năm 2015, KLF đề ra mục tiêu tăng vốn điều lệ từ mức 1.516 tỷ đồng lên 3.685 tỷ đồng. Tuy nhiên, trước diễn biến giá cổ phiếu bất lợi (giao dịch dưới mệnh giá, trong khi Công ty không có thặng dư vốn), KLF mới chỉ tăng vốn lên mức 1.653 tỷ đồng thông qua cổ phiếu thưởng. Ban giám đốc Công ty cho biết sẽ tiếp tục kế hoạch này trong năm nay. Tuy nhiện, với mức giá giảm sâu dưới mệnh giá, việc phát hành thêm của KLF hầu như ít có cơ hội thành công, HĐQT Công ty thừa nhận.