Kinh tế phục hồi trong thách thức

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Số liệu kinh tế quý I/2021 được Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố ngày 29/3/2021 cho thấy nhiều điểm sáng, với sự phục hồi của một số ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng như Chính phủ đề ra đang đối mặt rất nhiều thách thức, khó khăn.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế trong quý I với mức tăng 9,45% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Huấn Anh
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế trong quý I với mức tăng 9,45% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Huấn Anh

Theo TCTK, GDP quý I/2021 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý I/2020. Đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng là khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,3%. Trong đó, ngành công nghiệp quý I/2021 tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 5,1% của quý I/2020, nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng 10,45% của quý I/2018 và 9% của quý I/2019. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 9,45%, là ngành đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng chung với 2,37 điểm phần trăm.

Xuất khẩu cũng là một điểm sáng. Nhờ tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa quý I/2021 ước đạt 152,65 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22%; nhập khẩu hàng hóa đạt 75,31 tỷ USD, tăng 26,3%. Cán cân thương mại hàng hóa quý I năm 2021 ước tính thặng dư 2,03 tỷ USD.

Nhu cầu tín dụng của nền kinh tế tăng khi hoạt động sản xuất, kinh doanh dần trở lại trạng thái bình thường. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I/2021 theo giá hiện hành ước đạt 507,6 nghìn tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này cho thấy tín hiệu tích cực trong việc huy động và sử dụng vốn đầu tư phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 đã được kiểm soát thành công tại Việt Nam. Đây cũng là động lực quan trọng để việc huy động và sử dụng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong các quý tiếp theo của năm 2021.

Cũng theo TCTK, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2021 cho thấy, có 68,6% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh quý I/2021 tốt hơn và ổn định so với quý IV/2020; 31,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn so với quý IV/2020. Dự kiến quý II/2021 so với quý I/2021, có 85,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng tốt lên và ổn định; có 14,9% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.

TCTK đánh giá, trong bối cảnh từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 3, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại một số địa phương, kết quả tăng trưởng quý I cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp để tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép "vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”. Nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 4,48%, là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.

Trao đổi với báo chí về số liệu kinh tế quý I, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định, nền kinh tế có cải thiện tích cực, nhiều ngành, lĩnh vực phục hồi gần như ngang với giai đoạn trước dịch Covid-19. Tuy nhiên, một số ngành vẫn rất khó khăn, nổi bật là du lịch và các dịch vụ liên quan.

Mức tăng GDP 4,48% tuy là tích cực trong bối cảnh nhiều khó khăn, nhưng thấp hơn so với kịch bản tăng trưởng tại Nghị quyết 01/2021/NQ-CP là 5,2%. Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, nếu muốn đạt mức tăng 6% đã được Quốc hội thông qua cho năm 2021, và 6,5% như Chính phủ phấn đấu, đòi hỏi các quý sau phải tăng cao hơn rất nhiều, phải có quý trên 7% mới bù được phần hụt của quý I.

Áp lực tăng trưởng 3 quý tiếp theo là rất lớn nếu muốn đạt các mục tiêu đề ra. Sản xuất công nghiệp phục hồi, nhưng hiện chưa có những động lực đột biến trong năm 2021, chưa thấy địa phương nào báo cáo về dự án sản xuất lớn đi vào hoạt động, nếu có sẽ làm động lực tăng thêm tốt hơn. Đầu tư công tuy giải ngân bằng năm ngoái, là tỷ lệ tốt nhưng giá trị vốn đầu tư công năm nay chỉ bằng khoảng một nửa năm 2020 nên về giá trị tuyệt đối, lượng vốn bơm vào nền kinh tế thấp hơn năm 2020. Đầu tư tư nhân có tăng nhưng không lớn lắm. Về phía cầu, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, trong khi ở những giai đoạn GDP tăng trưởng cao, mức tăng thường ở hai con số, cho thấy sức mua trong quý I/2021 chưa hồi phục hoàn toàn. Động lực tăng trưởng thời gian tới, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, là chưa thực sự rõ nét.

Chuyên đề