Kinh tế miền Trung trở lại quỹ đạo tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đối thoại, thành lập tổ công tác đặc biệt, số hoá thủ tục hành chính, “bơm” tín dụng để từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư đang tạo thêm niềm tin, động lực để cộng đồng DN tại miền Trung phấn khởi bước vào chu kỳ phát triển mới.
Năm 2021, Bình Định dẫn đầu khu vực miền Trung trong thu hút đầu tư với 93 dự án trong nước có tổng vốn trên 104.340 tỷ đồng, tăng vốn cho 11 dự án với tổng vốn tăng thêm 27.121 tỷ đồng. Ảnh: Hà Minh
Năm 2021, Bình Định dẫn đầu khu vực miền Trung trong thu hút đầu tư với 93 dự án trong nước có tổng vốn trên 104.340 tỷ đồng, tăng vốn cho 11 dự án với tổng vốn tăng thêm 27.121 tỷ đồng. Ảnh: Hà Minh

Từ những chính sách gỡ khó…

Giữa tháng 1/2022, tại buổi đối thoại với DN và nhà đầu tư do ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chủ trì, ông Võ Thành Đàng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đường Quảng Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Quảng Ngãi đã nêu quan điểm: “Có quá nhiều khó khăn, vướng mắc cần sự đồng hành của lãnh đạo tỉnh như thủ tục giao đất dự án còn nhiêu khê; giá thuê đất cao tại các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) đang là gánh nặng cho DN; tình hình khoanh nợ, giãn nợ và miễn giảm thuế cho DN chưa thực chất, chưa kịp thời…”. Ông Võ Thành Đàng vừa dứt lời, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo đáp từ ngay: “Tất cả những nội dung nào thuộc thẩm quyền giải quyết của Tỉnh, các sở, ngành và địa phương nhưng chưa được xem xét, giải quyết kịp thời thì các sở, ngành phải nghiêm túc tổ chức thực hiện và giải quyết trong thời gian sớm nhất, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi cho DN thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh”.

Từ những tương tác trực tiếp giữa lãnh đạo Tỉnh và DN, đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi. Theo bà Trần Thị Mỹ Ái, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh này, hết quý I/2022, số DN đăng ký thành lập mới tăng 167 DN; thu ngân sách nhà nước đạt 8.235 tỷ đồng, tăng 49,2% so với cùng kỳ 2021.

“Chính sách gỡ khó cho DN sau khi kiểm soát được dịch bệnh là thực sự cần thiết, chính giai đoạn này DN đang rất cần sự trợ lực từ Nhà nước để phục hồi sản xuất, nhất là phần vốn đầu tư” - ông Ngô Đa Thọ, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Phú Yên nhìn nhận. Theo ông Thọ, “các chính sách cần nhanh chóng áp dụng mới cứu được DN chứ khi DN chết rồi thì không thể cứu được nữa”.

Phản hồi ý kiến trên của ông Ngô Đa Thọ, ông Trần Văn Trí, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Phú Yên cho biết, có 14 ngân hàng thương mại đã cam kết hỗ trợ 20.000 tỷ đồng để giúp DN phục hồi sản xuất, kinh doanh. “Nhờ vậy, bước vào năm 2022, nhiều DN tại Phú Yên được thành lập mới, tất cả các DN đã quay lại sản xuất, kinh doanh bình thường cho thấy tín hiệu phục hồi kinh tế rất rõ ràng” - ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên chia sẻ.

“Các DN bắt tay vào triển khai giải pháp sản xuất kinh doanh đã đưa kinh tế phát triển và phục hồi trở lại, trong đó có thành phố Đà Nẵng. Từ chỗ tăng trưởng âm, Đà Nẵng đã cán đích GRDP ở mức tăng 0,89%, tổng thu ngân sách là 7.200 tỷ đồng, đạt gần 37% dự toán HĐND giao. Đây có thể xem là thành quả bước đầu của giai đoạn bình thường mới” - ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng ghi nhận…

… đến thực tiễn triển khai

Trạng thái bình thường mới được triển khai trên toàn quốc đã lập tức tạo thêm sức đàn hồi cho “lò xo bị nén lâu ngày” bật lên mạnh mẽ. Trong những nhà máy, dây chuyền sản xuất chuyển động đều, những phân xưởng sáng đèn, người lao động tấp nập vào ra công xưởng, nhịp sản xuất sôi động, một sức sống mới đã đẩy lùi những tháng ngày giãn cách xã hội vắng vẻ do Covid-19 gây nên. Ngoài công trường, máy móc, thiết bị, vật tư… được tập kết, thi công được bố trí 3 ca để hoàn thành các công trình trọng điểm góp phần tạo điều kiện cho các lĩnh vực kinh tế khác trở lại đường đua và đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ.

Cuối tháng 3/2022, từ nguồn đầu tư công, Đà Nẵng khánh thành và đưa vào sử dụng nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý với vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng. Gần đây nhất, giữa tháng 4/2022, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã cho phép đưa tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan vào khai thác, kích hoạt nhiều cơ hội đầu tư, phát triển phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế, Tây Bắc Đà Nẵng, mở thêm cánh cửa liên kết vùng.

Xác định hạ tầng lan tỏa là đường ngắn nhất, nhanh nhất để đạt mục tiêu phục hồi kinh tế nên những tháng đầu năm 2022, nhiều địa phương tại miền Trung đã tiến hành khởi công xây dựng các dự án giao thông đối ngoại trọng điểm. Tại Quảng Bình là Dự án thành phần 1 Đường ven biển thuộc Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, có tổng mức đầu tư 2.200 tỷ đồng. Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chia sẻ, Dự án sau khi đi vào hoạt động sẽ phát huy khả năng liên kết thông suốt giữa các vùng trong Tỉnh; đồng thời kết nối giữa các tỉnh Bắc Trung Bộ. Tại Thừa Thiên Huế là bấm nút khởi công tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An. Bên cạnh chức năng giao thông, Dự án sẽ tạo quỹ đất ven biển khoảng 1.500 ha để phát triển đô thị…

2.674 tỷ đồng là vốn đầu tư mà tỉnh Bình Định dành cho dự án ven biển Cát Tiến - Diêm Vân. Theo ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, việc đầu tư xây dựng tuyến đường này là một đòi hỏi tất yếu nhằm phát huy hiệu quả của KKT Nhơn Hội, tăng cường khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư cho Bình Định.

Bên cạnh những dự án hiện hữu đã đưa vào sử dụng và tiến hành khởi công xây dựng, các địa phương miền Trung cũng đang nhanh chóng triển khai các kế hoạch, bổ sung và hoàn thiện thủ tục đầu tư các danh mục dự án từ nguồn phân bổ đầu tư công. Trong đó, có cả các dự án sân bay dọc dải miền Trung như: Đồng Hới, Chu Lai, Phù Cát, Tuy Hoà… với kỳ vọng không chỉ đẩy nhanh tiến độ phục hồi kinh tế mà còn “mở cửa bầu trời” để đưa kinh tế miền Trung cất cánh.

Chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp sau khi kiểm soát được dịch bệnh là thực sự cần thiết để phục hồi sản xuất kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên

Chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp sau khi kiểm soát được dịch bệnh là thực sự cần thiết để phục hồi sản xuất kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên

Và đột phá cải cách hành chính

“Những thành quả kinh tế sẽ không đạt được nếu để một nền hành chính trì trệ, nhiêu khê và thiếu minh bạch. Đa phần các địa phương thu hút đầu tư hiệu quả và giải ngân vốn đầu tư công đạt chỉ tiêu, các dự án “chạy” được là do có nền hành chính đơn giản, minh bạch và thân thiện” - TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định. Quan sát, nghiên cứu nhiều năm về vùng miền Trung, TS. Trần Du Lịch cho rằng, Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam có những chuyển biến rõ nét. Bình Định tái cam kết mạnh mẽ về cải thiện môi trường đầu tư, đã chủ động cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục đầu tư từ 32 ngày xuống còn 25 ngày. Việc cắt giảm này đã được Bộ KH&ĐT có văn bản ủng hộ và đánh giá rất cao. Năm 2021, Bình Định dẫn đầu khu vực miền Trung trong thu hút đầu tư với 93 dự án trong nước có tổng vốn đầu tư trên 104.340 tỷ đồng. Đồng thời, Tỉnh thực hiện tăng vốn cho 11 dự án với tổng vốn tăng thêm 27.121 tỷ đồng.

Còn tại Quảng Nam, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề nhưng địa phương này vẫn giữ được mức tăng trưởng kinh tế hơn 5%, xếp vị trí thứ 31/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xếp thứ 2 vùng kinh tế trọng điểm miền Trung về tốc độ tăng trưởng, thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch. Đạt được thành quả trên, theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, ủy quyền được 144 thủ tục hành chính, chiếm 55% tổng số thủ tục thuộc thẩm quyền của UBND Tỉnh.

Cải cách hành chính là ưu tiên hàng đầu trong điều hành và vận hành bộ máy hành chính nhà nước tại Đà Nẵng. Tại thành phố này, cơ chế một cửa đã được áp dụng đồng bộ ở cả ba cấp (thành phố, quận/huyện, phường/xã), góp phần tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong việc giải quyết thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đầu tư, đất đai, môi trường, lao động, quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng, giao thông vận tải, thuế...

Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở KH&ĐT TP. Đà Nẵng, cho biết: năm 2021, Sở đã chủ động rà soát, điều chỉnh, bãi bỏ, bổ sung các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đăng ký DN theo hướng dẫn của Bộ KH&ĐT, phù hợp với quy định hiện hành và trình UBND Thành phố ban hành bộ thủ tục hành chính mới (Quyết định số 3648/QĐ-UBND ngày 12/11/2021). Đến nay, có 20 thủ tục bị hủy bỏ, 2 thủ tục được thêm mới và điều chỉnh bổ sung, thay thế 49 thủ tục.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư