Kinh tế miền Trung trở lại guồng quay tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau khi đại dịch Covid-19 dần được kiểm soát, 4 địa phương tại khu vực duyên hải Nam Trung Bộ đã tận dụng tốt cơ hội để phục hồi, tăng trưởng nhanh chóng. Các lĩnh vực sản xuất phục hồi ấn tượng, hoạt động thương mại, du lịch cũng đóng góp tích cực cho kinh tế địa phương.
Cảng Chu Lai tại Khu kinh tế mở Chu Lai phát huy vai trò nâng cao kim ngạch xuất khẩu, hình thành chuỗi dịch vụ logistics tại khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Ảnh: Hà Minh
Cảng Chu Lai tại Khu kinh tế mở Chu Lai phát huy vai trò nâng cao kim ngạch xuất khẩu, hình thành chuỗi dịch vụ logistics tại khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Ảnh: Hà Minh

Tại thời điểm này năm ngoái, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Đà Nẵng “tăng trưởng âm”, một kỷ lục buồn đối với trung tâm kinh tế của khu vực miền Trung. Tuy nhiên, sau khi đại dịch Covid-19 được khống chế, Đà Nẵng trở lại guồng quay một cách mạnh mẽ. Bằng chứng là GRDP quý III của Đà Nẵng tăng hơn 39%, 9 tháng đầu năm tăng gần 17%. Quy mô kinh tế của Đà Nẵng 9 tháng đạt hơn 92,2 nghìn tỷ đồng, mở rộng hơn 14,8 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ 2021. Trong đó, riêng khu vực dịch vụ đã tăng thêm gần 12 nghìn tỷ đồng. Theo ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng, dịch vụ tiếp tục là trụ đỡ chính giúp kinh tế Đà Nẵng phục hồi, phát triển. Hiện trong cơ cấu kinh tế, khối dịch vụ chiếm gần 69%. Số liệu thống kê cho thấy, trong mức tăng chung của kinh tế Đà Nẵng, khu vực dịch vụ tăng gần 22%. Nổi bật là lĩnh vực vận tải, kho bãi tăng 23%, lưu trú và ăn uống tăng 67%, kinh doanh bất động sản tăng 34%...

Một điểm sáng về tăng trưởng khác là kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Đà Nẵng 9 tháng đạt hơn 2,7 tỷ USD, tăng hơn 21%. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,6 tỷ USD, tăng hơn 27%. Cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục theo hướng xuất siêu với mức 515,3 triệu USD, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi Đà Nẵng gây ấn tượng ở mảng dịch vụ, thì tỉnh Quảng Nam lại ghi nhận tăng trưởng ở hầu hết các lĩnh vực. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Quảng Nam, dù chỉ số sản xuất công nghiệp quý III/2022 giảm 9,1% so quý trước, nhưng vẫn tăng 30,3% so với cùng kỳ năm trước. Lượng vốn từ các tổ chức tín dụng đổ vào nền kinh tế 9 tháng tăng 10,23% so với đầu năm, tăng 12,97% so với cùng kỳ năm trước. Gần 1.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường, 505 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Ngoài ra, thêm 55 dự án đầu tư được cấp phép (4 dự án FDI và 51 dự án nội địa). Tổng thu ngân sách 9 tháng đạt khoảng 21.950 tỷ đồng, đạt 93% dự toán, tăng 46% so cùng kỳ năm 2021.

Quảng Ngãi cũng là địa phương tăng trưởng đột phá ở lĩnh vực công nghiệp (tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước). Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,738 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước và bằng 93,4% kế hoạch năm… Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi 9 tháng ước đạt 23.047 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2021, bằng 94,9% dự toán năm, bằng 119,8% dự toán Trung ương giao.

Kinh tế Bình Định cũng tăng trưởng khá ngoạn mục khi GRDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,92% so với cùng kỳ 2021, cao hơn tăng trưởng bình quân cả nước 0,09%, xếp thứ 7 vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, xếp thứ 3 trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Định 9 tháng năm 2022 đạt 26.645 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Bình Định đã hoàn thành đưa vào khai thác nhiều dự án hạ tầng trọng điểm: tuyến đường ven biển (ĐT.639), từ cầu Lại Giang đến cầu Thiện Chánh; đường vào Sân bay Phù Cát (giai đoạn 2)...

Tăng trưởng GRDP sẽ đạt, ngân sách sẽ gia tăng, nhưng mối bận tâm của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương là làm sao giữ đà tăng trưởng và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế khi mà miền Trung bước vào mùa mưa bão. “Không còn thời gian để trì hoãn việc đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Phải đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành dứt điểm từng hạng mục công trình, bảo đảm chất lượng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn khi buộc phải đối mặt với mùa mưa bão. Hoàn trả nợ ứng, thanh quyết toán vốn đầu tư hoàn thành các dự án đúng quy định, hạn chế chuyển nguồn”, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ.

Chuyên đề