Kinh tế có chuyển biến tích cực trong tháng đầu năm

(BĐT) -Tình hình kinh tế - xã hội đầu năm 2016 có chuyển biến tích cực ở nhiều chỉ số. Trong đó, thu hút và giải ngân vốn FDI là một trong những điểm sáng đáng chú ý. Tuy nhiên, diễn biến kinh tế thế giới khó lường, cần tiếp tục phải kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.
Thu hút và giải ngân vốn FDI tăng cao so với cùng kỳ
Thu hút và giải ngân vốn FDI tăng cao so với cùng kỳ

Đây là nội dung báo cáo của Văn phòng Chính phủ về kết quả làm việc của Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2016.

Thu hút và giải ngân FDI tăng

Đại diện Văn phòng Chính phủ cho biết, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2016, các thành viên Chính phủ đều có chung nhận định tình hình kinh tế - xã hội đầu năm 2016 có chuyển biến tích cực. Cụ thể, giá tiêu dùng ổn định, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2016 không tăng so với tháng 12/2015; sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển. Khu vực dịch vụ phát triển ổn định; tổng cầu và sức mua tiêu dùng ước tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu tăng, nhập siêu giảm mạnh. Hoạt động của doanh nghiệp trong tháng 1 cũng có những chuyển biến tích cực, số doanh nghiệp đăng ký mới và quy mô doanh nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm 2015. Đặc biệt, một số điểm sáng đáng ghi nhận trong tháng đầu năm 2016 là thu hút và giải ngân vốn FDI tăng cao so với cùng kỳ; vốn ODA và vay ưu đãi giải ngân đạt khá.

Tuy nhiên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, Chính phủ cũng nhận thấy sự phục hồi kinh tế còn chậm, thiếu vững chắc của kinh tế thế giới, giá dầu thế giới giảm mạnh và chưa có dấu hiệu phục hồi ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế nước ta. Bên cạnh đó, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn. Thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, rét hại, rét đậm gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân và hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt đôn đốc việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 01/NĐ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016. Trong đó, cần phải kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường đầu tư thuận lợi và động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giải ngân các dự án, nhất là công trình kết cấu hạ tầng, bảo đảm tiến độ.

Giá dầu thế giới giảm sâu nhưng giá điện chưa giảm

Tại phiên họp báo, một số ý kiến đặt câu hỏi về các biện pháp của Chính phủ nhằm ứng phó với tình trạng thiếu điện do ảnh hưởng của hiện tượng khô hạn do El Nino tiếp tục kéo dài trong năm 2016. Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, cuối năm 2015, tình trạng khô hạn kéo dài diễn ra ở khu vực miền Trung và miền Nam. Bộ Công Thương đã có văn bản gửi các địa phương khuyến cáo về tình trạng khô hạn tiếp tục có diễn biến bất lợi năm 2016 và cần kế hoạch tiết kiệm nước. Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công Thương đã có chỉ đạo về việc sử dụng hồ chứa nước thủy điện phải đảm bảo 2 mục tiêu là cung cấp nước lâu dài cho vùng hạ du và bảo đảm phát điện. Bên cạnh đó, EVN huy động một số nhiệt điện chạy dầu phục vụ cho phát điện và bảo đảm cung cấp nước cho vùng hạ du. “Nếu không có diễn biến quá bất thường, Bộ Công Thương phán đoán, việc cung cấp nguồn nước và phát điện sẽ được bảo đảm để phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Liên quan đến vấn đề giá dầu – một trong những nguyên liệu đầu vào giảm mạnh có khiến cho giá điện giảm hay không, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải trả lời: “Giá điện có thay đổi hay không là phụ thuộc vào kết quả đánh giá tác động đầu vào. Nhưng hiện nay, Bộ Công Thương chưa nhận được đề xuất nào của EVN về việc tăng hay giảm giá điện. Riêng đối với nhiệt điện chạy dầu, ông Hải cho biết: “Lượng điện từ nhiệt điện chạy dầu chỉ chiếm 1% tổng lượng điện, cho nên dù giá dầu tăng hay giảm thì không không ảnh hưởng nhiều đến giá điện”.

Đối với mối quan tâm về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp sửa được ký kết, ông Hải cho biết: “Năm 2015, dư luận - nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đánh giá, Việt Nam đã rất thành công trong hội nhập, đặc biệt là TPP. Hiệp định đã được Chính phủ, Bộ Chính trị thông qua và dự kiến ngày 4/2 tới, các nước thành viên sẽ tiến hành ký kết”.

Về quan ngại một số nội dung có thể thay đổi so với nội dung Hiệp định đã được công bố, ông Hải cho biết: “Hiện nay nội dung Hiệp định TPP vẫn giữ được những lợi ích cho doanh nghiệp và người dân. Điều quan trọng nhất lúc này là làm sao cho các đối tượng có liên quan biết được các nội dung của Hiệp định để tận dụng lợi thế, có biện pháp hạn chế tới mức thấp nhất những yếu tố bất lợi. Đây không chỉ là công việc của riêng bộ, ngành nào mà cần có sự chủ động tham gia của doanh nghiệp, người dân và đặc biệt là vai trò tuyên truyền của các phương tiện truyền thông, báo chí.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư