Kinh tế “chạy đà” khả quan

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Những chỉ báo trong tháng đầu năm 2024 cho thấy kinh tế tiếp tục khởi sắc, mở ra kỳ vọng về xu hướng tăng trưởng tích cực trong cả năm. Tuy nhiên, những bất ổn địa chính trị trên thế giới và hạn chế từ nội tại có thể gây khó cho nỗ lực hồi phục kinh tế, cần có các giải pháp hiệu quả để nắm bắt cơ hội và tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1/2024 ước tính giảm 4,4% so với tháng trước và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: Tuấn Anh
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1/2024 ước tính giảm 4,4% so với tháng trước và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: Tuấn Anh

Dự báo tích cực dù còn nhiều rủi ro

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy một số yếu tố tích cực của nền kinh tế trong tháng đầu năm nay. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2024 ước đạt 524,1 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 33,57 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 30,65 tỷ USD, tăng 4,2%.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1/2024 ước tính giảm 4,4% so với tháng trước và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước.

Trong tháng 1, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 1,5 triệu lượt người, tăng 10,3% so với tháng trước và tăng 73,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tại báo cáo Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 vừa công bố, Ngân hàng UOB nêu rõ thông điệp “Triển vọng tươi sáng hơn vào năm 2024” với tăng trưởng ổn định ở Trung Quốc và khu vực, sự phục hồi nhu cầu ngành bán dẫn, sự chuyển dịch chuỗi cung ứng phần lớn có lợi cho Việt Nam và các nước ASEAN khác. Ngân hàng này duy trì dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6% cho năm 2024, sát với mục tiêu chính thức của Chính phủ là 6 - 6,5%.

Tuy nhiên, theo UOB, năm 2024, kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức và bất lợi do những bất ổn và rủi ro phát sinh từ các cuộc xung đột quân sự, tranh chấp địa chính trị giữa các cường quốc. Đơn cử, xung đột quanh khu vực Biển Đỏ - chiếm 12% thương mại toàn cầu với 17.000 tàu đi qua hàng năm - đã khiến các công ty vận tải toàn cầu phải định tuyến lại quanh Mũi Hảo Vọng, làm kéo dài hành trình, gây ra sự chậm trễ trong vận chuyển, khiến chi phí giao hàng cao hơn và sự gián đoạn trong mạng lưới vận chuyển. Điều này sẽ gây tổn hại không chỉ cho người tiêu dùng và người sử dụng cuối cùng, mà cả các nhà xuất khẩu, nhà sản xuất và chuỗi cung ứng trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2024 ước đạt 33,57 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước. Ảnh: Tuấn Anh

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2024 ước đạt 33,57 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước. Ảnh: Tuấn Anh

Khẩn trương hành động, tăng khả năng chống chịu

Nhìn nhận triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) cho rằng, bên cạnh chi tiêu của Chính phủ thì tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu ròng là 3 nhân tố chính tạo nên tăng trưởng.

Theo ông Thành, về tiêu dùng, điểm đáng chú ý là đã có bước chuyển khá tốt, thể hiện qua thu hút du lịch quốc tế. Về đầu tư, có thể thấy rõ chuyển biến tích cực từ đầu tư công, xu hướng này sẽ tiếp tục trong thời gian tới nhờ công tác quy hoạch đã làm tốt, khuôn khổ pháp lý đã và đang được hoàn thiện. Về xuất nhập khẩu, năm 2024, kinh tế thế giới có triển vọng tích cực hơn năm 2023, song đà hồi phục vẫn còn yếu, đặc biệt là các đối tác thương mại đầu tư chính của Việt Nam. Bên cạnh đó, một số điểm đáng quan ngại là đầu tư tư nhân yếu, thị trường vốn và thị trường bất động sản vẫn còn nhiều trở ngại cần được khơi thông.

Để giảm tác động bất lợi từ thị trường thế giới và thúc đẩy kinh tế trong nước hồi phục, theo ông Thành, chúng ta đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng cần quyết liệt hơn. Theo đó, trước hết cần tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế xét về khía cạnh ổn định kinh tế vĩ mô, lành mạnh hóa hệ thống tài chính ngân hàng, bất động sản.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai các giải pháp kích cầu gắn với thị trường trong nước, nước ngoài và đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có các chính sách như giảm thuế, gia hạn nợ và chưa chuyển nhóm nợ, giữ mặt bằng lãi suất thấp. Đồng thời, cần chuẩn bị các kịch bản ứng phó với biến động của kinh tế thế giới.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, cần chú trọng các động lực tăng trưởng truyền thống và phát huy, khai thác các động lực tăng trưởng mới. Theo đó, cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng tốt hơn các hiệp định thương mại tự do đã ký kết và các quan hệ đối tác chiến lược được nâng cấp gần đây; thúc đẩy giải ngân đầu tư công hiệu quả, đúng kế hoạch, trở thành vốn mồi cho các nguồn vốn khác; kích cầu đầu tư tư nhân và tiêu dùng nội địa.

Về điều hành chính sách, theo ông Lực, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả trong điều hành, phối hợp chính sách kinh tế (đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách giá cả và các chính sách vĩ mô khác) nhằm bình ổn tỷ giá, lãi suất và thị trường tài chính - tiền tệ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, tiếp tục phương châm chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; chính sách tiền tệ chủ động, nới lỏng thận trọng, linh hoạt; quan tâm hơn đến rủi ro hệ thống tài chính và liên thông thị trường tài chính - bất động sản.

Từ góc độ khác, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhìn nhận, kinh tế thế giới đang có những thay đổi nhanh chóng với việc ứng dụng mạnh mẽ các ngành công nghệ cao, chip điện tử và bán dẫn trở thành ngành công nghiệp lõi tiềm năng mới. Hiện nay, Việt Nam đã là đối tác chiến lược toàn diện với 6 quốc gia, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Đây là thời cơ và lợi thế rất lớn để tạo dựng động lực mới cho tăng trưởng nhanh và bền vững.

“Để biến vận hội thành hiện thực, Chính phủ cần tiếp tục kiến tạo và triển khai các động lực mới. Theo đó, giải pháp xuyên suốt là phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước, xóa bỏ sự chồng chéo, bảo đảm chính sách ổn định, nhất quán. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác điều phối, thúc đẩy nhanh quá trình triển khai thực hiện các động lực tăng trưởng mới. Đẩy mạnh hợp tác với chính phủ, các tập đoàn và doanh nghiệp lớn các nước về phát triển công nghiệp bán dẫn để tìm hiểu về các cơ chế, chính sách đặc thù, cần có để phục vụ xây dựng cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam”, ông Lâm nhấn mạnh.

Chuyên đề