Kiểm soát tốt hơn qua mua sắm tập trung

(BĐT) - Khung pháp lý liên quan đến mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung đang dần hoàn chỉnh, từ những quy định tại Luật Đấu thầu năm 2013, Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và mới đây nhất là hai Thông tư số 34/2016/TT-BTC và số 35/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 10/4. 
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Với nền tảng pháp lý này, nhiều người hy vọng công tác mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung sẽ được minh bạch, hiệu quả hơn.

Kiểm soát tốt hơn chi phí mua sắm và công tác đấu thầu

Theo phương thức mua sắm tập trung, thay vì hàng ngàn đầu mối mua sắm sẽ chỉ có đơn vị mua sắm tập trung quốc gia (tại Bộ Tài chính); đơn vị mua sắm tập trung thuốc quốc gia (tại Bộ Y tế) và các đơn vị mua sắm tập trung của các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh.

Đấu thầu là một khâu quan trọng trong quá trình mua sắm tài sản nhà nước, và thực tế không ít đơn vị mong muốn được tổ chức đấu thầu để có cơ hội “ăn chia miếng bánh ngân sách nhà nước”. Việc tập hợp thành các đầu mối mua sắm tập trung liệu có giúp kiểm soát tốt hơn công tác đấu thầu và nâng cao chất lượng tài sản mua sắm hay không là câu hỏi nhiều người đặt ra.

Theo quy định của Luật Đấu thầu 2013, mua sắm tập trung sẽ thực hiện theo một trong hai cách thức: ký thỏa thuận khung hoặc ký hợp đồng trực tiếp. Tuy nhiên, với danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia, trước mắt trong năm 2016 là mua sắm xe ô tô, Thông tư 34/2016/TT-BTC quy định là áp dụng ký thỏa thuận khung. Ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản thuộc Bộ Tài chính cho biết, khi mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với ô tô, trên cơ sở tổng hợp nhu cầu mua sắm của các đơn vị trên cả nước, đơn vị mua sắm tập trung quốc gia sẽ thực hiện việc lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu và ký thỏa thuận khung với đơn vị trúng thầu. Cơ quan, đơn vị sử dụng xe trực tiếp ký hợp đồng mua sắm với nhà thầu được lựa chọn, tiếp nhận tài sản và thanh toán cho nhà thầu này trên cơ sở thỏa thuận khung đã ký.

Việc giám sát quá trình đấu thầu của một số đơn vị đấu thầu tập trung chắc chắn sẽ dễ hơn giám sát hàng nghìn đơn vị đấu thầu nhỏ lẻ. Vì thế, sẽ kiểm soát tốt hơn tham nhũng trong đấu thầu mua sắm tài sản nhà nước.
Như vậy, đơn vị mua sắm tập trung quốc gia thuộc Bộ Tài chính hay đơn vị mua sắm tập trung thuốc quốc gia thuộc Bộ Y tế chỉ là đầu mối đứng ra tổ chức đấu thầu, xác định giá thành sản phẩm, tiêu chuẩn hàng hóa, dịch vụ, lựa chọn nhà cung cấp theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, mà không nắm giữ tiền phân bổ từ ngân sách, không thực hiện việc thanh toán với nhà thầu, từ đó sẽ giảm được nguy cơ tiêu cực, tham nhũng.

Bên cạnh đó, ông Trần Đức Thắng khẳng định, khi đấu thầu tập trung quốc gia theo quy định mới, giá tài sản mua phải trong thỏa thuận khung đã ký. Cho nên, các đơn vị mua sắm không thể mua với giá vượt khung, vượt định mức quy định. Nếu thực hiện tốt quy định này, có thể sẽ góp phần chấm dứt được lãng phí trong mua sắm tài sản công, trong đó có mua ô tô công.

Ngoài ra, theo một số chuyên gia, việc giám sát quá trình đấu thầu của một số đơn vị đấu thầu tập trung chắc chắn sẽ dễ hơn giám sát hàng nghìn đơn vị đấu thầu nhỏ lẻ. Vì thế, sẽ kiểm soát tốt hơn tham nhũng trong đấu thầu mua sắm tài sản nhà nước.

Tạo đơn hàng lớn cho DN trong nước

Theo nhiều chuyên gia và nhà quản lý, lợi ích dễ thấy là khi mua sắm tập trung, Nhà nước sẽ tạo ra những đơn hàng lớn hơn cho doanh nghiệp, thay vì những đơn hàng nhỏ lẻ. Giả sử, cơ quan mua sắm tập trung mua tập trung máy tính cho tất cả các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương thì đơn hàng có thể lên tới hàng vạn máy một năm. Nhà sản xuất khi nhìn thấy tiềm năng từ “thị trường” mua sắm tập trung, thì có thể xây dựng chiến lược đầu tư lớn, nhắm đến các đơn hàng lớn đến “siêu lớn” này. Nếu trúng thầu, thì có khi chỉ với một đơn hàng, doanh nghiệp đã đủ để khấu hao dây chuyền. Sau khi đã khấu hao, phần sản xuất thêm được bán ra thị trường hoàn toàn có thể hạ giá và cạnh tranh với hàng ngoại. Bên cạnh đó, cũng tạo ra những doanh nghiệp sản xuất chuyên nghiệp, đủ sức vươn ra thị trường quốc tế.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông, thực tế hiện nay, quy mô sản xuất của hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam còn nhỏ và manh mún. Với mỗi mặt hàng, có quá nhiều nhà sản xuất nhỏ lẻ để cung cấp, mỗi doanh nghiệp không đủ quy mô kinh tế, nên hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, không cạnh tranh về giá và chất lượng. Một trong những lý do là doanh nghiệp Việt Nam chưa có được những đơn hàng lớn.      

Chuyên đề