Kiểm soát giá thuốc qua đấu thầu

(BĐT) - Cần tăng cường thực hiện các giải pháp đồng bộ để giảm sự chênh lệch giá thuốc quá cao tại Việt Nam là đề nghị của một số đại biểu Quốc hội cả trong hội trường và bên lề Phiên họp Quốc hội diễn ra ngày 25/3 khi bàn về Dự thảo Luật Dược.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Có nhiều nhân tố đội giá thuốc lên cao

Lý giải vì sao giá thuốc hiện nay tại Việt Nam bị đội lên rất cao, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng, có nhiều nguyên nhân ngoài đấu thầu như: độc quyền nâng giá, tầng lớp trung gian, tiêu cực trong kê đơn... Do đó, cần phải phân tích các nguyên nhân để bổ sung các biện pháp quản lý giá thuốc. Chẳng hạn như, liên quan đến giá thuốc nhập khẩu cao, nhiều trường hợp là do các nhà sản xuất bắt tay nhau để “kê” giá thuốc lên.

Tại Việt Nam, theo bà Lan, con đường thuốc đến với người bệnh phải đi khá lòng vòng, trải qua quá nhiều tầng lớp trung gian làm cho giá thuốc bị đội lên là điều dễ hiểu. Do vậy, ĐBQH này đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quy định hạn chế bớt tầng lớp trung gian như chỉ được có từ 3 - 5 bước trung gian. Việc giảm bớt tầng lớp trung gian sẽ góp phần sắp xếp lại mạng lưới lưu thông, phân phối thuốc đang quá thừa. Hiện có tới hơn 2.000 công ty phân phối thuốc, riêng TP.HCM là hơn 1.000 công ty. Điều đó chứng tỏ, nếu lĩnh vực phân phối thuốc còn có lợi nhuận “khủng”, thì các công ty sẽ còn tiếp tục đua nhau mọc lên, sẽ còn nhiều bác sĩ, dược sĩ “chảy máu chất xám” bỏ nghề để đi theo trình dược viên bởi vì lương cao.

Về phía bệnh viện, bà Lan cho rằng, để giảm giá thuốc, không chỉ dựa vào một giải pháp là đấu thầu, mà cần phải mở hướng theo định suất theo giá mà Bộ Y tế hay Bảo hiểm Y tế đàm phán được. Về chuyên môn, cần lưu ý xây dựng đồng bộ phác đồ điều trị chuẩn, tránh lạm dụng thuốc, đồng thời cần tăng vai trò của Hội đồng thuốc và điều trị thì mới trị tận gốc vấn đề tiêu cực trong kê đơn.

Về các loại thuốc lưu hành bên ngoài thị trường ngoài đấu thầu, ĐBQH Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho rằng, giá thuốc phải tuân thủ theo nguyên tắc thị trường. Nguyên tắc quản lý giá thuốc là để cho doanh nghiệp định giá và tự kê khai với các cơ quan nhà nước. 

Hy vọng, trong năm nay, chắc chắn sẽ tổ chức đấu thầu tập trung một số mặt hàng và số lượng sẽ tăng dần lên trong những năm tới” ĐBQH Nguyễn Văn Tiên
Đấu thầu thuốc tập trung là giải pháp tốt

Liên quan đến giá thuốc trúng thầu, theo ĐBQH Nguyễn Văn Tiên, thực tế có tình trạng là hai địa phương gần nhau, cùng một loại thuốc, cùng một chất lượng, nhưng giá thuốc ở địa phương này là một đồng, còn địa phương kia lại là một đồng rưỡi. Về lý, họ đều tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đấu thầu. Vì thế, tôi đề nghị trong Luật Dược phải quy định là khi thấy giá thuốc trúng thầu chênh lệch bất hợp lý thì Bộ Y tế hoặc Bộ Tài chính phải báo cáo Chính phủ để xem xét lại, điều chỉnh cho phù hợp. Có như vậy, giá thuốc mới đi vào thực chất.

ĐBQH Nguyễn Văn Tiên cho biết: “Hiện nay, Bộ Y tế được giao công bố giá thuốc trúng thầu theo tư liệu mà Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXHVN) cung cấp. Giá thuốc chịu sự điều chỉnh của Luật Giá và Luật Đấu thầu, còn Luật Dược chủ yếu tập trung vào vấn đề chuyên môn như chất lượng thuốc, bằng đăng ký, sáng chế, lưu hành thuốc... Đặc biệt là Luật Đấu thầu đã dành riêng một mục quy định về đấu thầu mua thuốc. Hiện nay, thuốc được sử dụng trong các cơ sở y tế chủ yếu thông qua đấu thầu. Theo tôi, đây là biện pháp hiệu quả nhất”.

Mặc dù vậy, ĐBQH Nguyễn Văn Tiên cho rằng, cho đến nay, nhiều quy định vẫn chưa thực hiện được như quy định về đấu thầu thuốc tập trung. Cho đến nay, gần 2 năm rồi nhưng vẫn chưa triển khai được. Hiện mới chỉ có cơ chế BHXHVN công bố giá thuốc trúng thầu để các cơ sở y tế sang năm khi làm kế hoạch thì phải rút kinh nghiệm, tự điều chỉnh giá thuốc sao cho phù hợp.

Lý giải về sự chậm trễ này, theo ĐBQH Nguyễn Văn Tiên, do đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện đấu thầu mua thuốc tập trung ở quy mô quốc gia, cho nên, chúng ta chưa có kinh nghiệm, phải cẩn thận từng bước. Còn các nước, mua thuốc tập trung được thực hiện khá lâu rồi và kinh nghiệm của các nước đã chứng minh là phải đấu thầu tập trung thì mới hiệu quả. Đấu thầu thuốc tập trung thực hiện theo nguyên lý: người tổ chức đấu thầu tập trung không phải là đi mua mà chỉ tổ chức đấu thầu tập trung lựa chọn nhà thầu cung cấp với giá cả hợp lý, rồi giao cho các bệnh viện, cơ sở y tế đăng ký mua. Do đó, mua thuốc tập trung không phải là đấu thầu xong rồi cấp phát cho các địa phương. Hiện nay, ngành y tế đang tìm phương án tốt nhất để tổ chức đấu thầu tập trung có hiệu quả. Cái quan trọng nhất là bảo đảm giá hợp lý và không được thiếu thuốc cho các cơ sở y tế.

“Hy vọng, trong năm nay, chắc chắn sẽ tổ chức đấu thầu tập trung một số mặt hàng và số lượng sẽ tăng dần lên trong những năm tới”, ĐBQH Nguyễn Văn Tiên nhận định.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư