Đấu thầu thuốc tập trung: Đã có sự hiểu nhầm

(BĐT) - “Cứ đấu thầu ở đâu mà người bệnh được lợi nhất” là chỉ đạo mới đây của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đối với ngành y tế TP.HCM. 
Để đấu thầu thuốc tập trung không gây ra tình trạng “ngắt quãng” trong cung ứng thuốc, cần coi trọng chất lượng việc lập kế hoạch đấu thầu. Ảnh: Lê Tiên
Để đấu thầu thuốc tập trung không gây ra tình trạng “ngắt quãng” trong cung ứng thuốc, cần coi trọng chất lượng việc lập kế hoạch đấu thầu. Ảnh: Lê Tiên

Câu chuyện đấu thầu thuốc tập trung đang thu hút sự quan tâm của dư luận khi hai luồng ý kiến giữa tiếp tục đấu thầu thuốc tập trung hay giao lại cho các bệnh viện tự đấu thầu đều có nhiều phản biện. Các bên liên quan nói gì về điều này?

Từ góc độ đấu thầu, nhiều chuyên gia khẳng định, đấu thầu thuốc tập trung đem lại nhiều hiệu quả đột phá và điều quan trọng là để đấu thầu thuốc tập trung không gây ra tình trạng “ngắt quãng” trong cung ứng thuốc, cần coi trọng chất lượng việc lập kế hoạch đấu thầu.

Người dân được lợi từ đấu thầu thuốc tập trung

Cách đây hơn 2 năm, giá thuốc tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM có sự chênh lệch nhau rất lớn, cá biệt có trường hợp chênh nhau hàng chục lần. Nguyên nhân được chỉ ra chính là do đấu thầu riêng lẻ, lắt nhắt và các bệnh viện không thực hiện nghiêm những quy định về đấu thầu thuốc.

Trước tình trạng đó, Bảo hiểm Xã hội TP.HCM đã kiến nghị triển khai đấu thầu thuốc tập trung để đưa giá thuốc tại các bệnh viện về cùng một mặt bằng, tạo điều kiện cho việc chi trả bảo hiểm bền vững, cân đối cũng như tăng cường tính giám sát của bảo hiểm.

Theo đó, từ cuối năm 2013, Sở Y tế TP.HCM đã tiến hành đấu thầu thuốc tập trung, tình trạng nói trên gần như không còn tái diễn. TP.HCM là địa phương đi đầu trong đấu thầu thuốc tập trung nên trong quá trình triển khai gặp không ít khó khăn. Điển hình nhất là khâu đấu thầu tập trung chưa đáp ứng được nhu cầu thuốc thực tế của các bệnh viện, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc cục bộ.

Cái được rất lớn của việc đấu thầu thuốc tập trung là tạo động lực cho nền sản xuất thuốc trong nước phát triển.
PGS. Nguyễn Văn Khôi, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định: “Đấu thầu thuốc tập trung là một mô hình tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, với điều kiện thực tế ở Việt Nam thì chưa thể áp dụng một cách tuyệt đối, mà nên áp dụng song song. Đấu thầu tập trung một số loại sản phẩm như: dịch truyền, kháng sinh…, còn lại, tùy theo thực tiễn ở địa phương, đơn vị sẽ tổ chức đấu thầu riêng lẻ cho phù hợp với điều kiện hiện tại”.

Một số nhà thầu cho biết thêm, đấu thầu tập trung thuận lợi nhiều cho các nhà thầu. Cụ thể, khi đấu thầu tập trung, nhà thầu sẽ  tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức khi lập hồ sơ dự thầu. “Trước đây, cứ bệnh viện nào có mời thầu là chúng tôi phải đi mua HSMT, chuẩn bị HSDT. Trong khi đó, thời điểm các bệnh viện tổ chức đấu thầu gần như đồng thời nên các nhà thầu rất vất vả. Nếu tổ chức đấu thầu tập trung DN sẽ tự giảm giá bán, chủ động được sản xuất, cung ứng thuốc” – một nhà thầu cho biết.

Tại TP.HCM, theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, có nhiều cơ sở y tế công lập đang thực hiện rất tốt việc áp thầu, giúp tiết kiệm ngân sách, không bị động về nguồn thuốc. Có thể kể đến như Bệnh viện Đa khoa quận Thủ Đức, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn… 

Hiểu đúng, làm đúng sẽ lợi cho dân

Trong khi đó, các chuyên gia đấu thầu cho rằng, đấu thầu thuốc tập trung là xu hướng của quốc tế, có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo lập một thị trường thuốc ổn định. Nhiều chuyên gia khẳng định, tình trạng giá thuốc sau đấu thầu mỗi nơi một kiểu khiến người dân bức xúc thời gian trước đã được giảm rất nhiều nhờ đấu thầu thuốc tập trung.

Cái được rất lớn của việc đấu thầu thuốc tập trung chính là tạo động lực cho nền sản xuất thuốc trong nước phát triển. DN chủ động được nguồn cung, đơn hàng dồi dào, từ đó chủ động nâng cao năng suất, chuyển giao công nghệ để nâng sức cạnh tranh trong đấu thầu.

Một chuyên gia về đấu thầu thuốc cho biết thêm: “Chúng ta phải hiểu rằng, trung tâm mua sắm thuốc tập trung là cơ quan chuyên nghiệp, đầu mối để giúp giảm thủ tục, thời gian thực hiện đấu thầu của các bệnh viện khi đấu thầu. Đây không phải là cơ quan ký hợp đồng với nhà thầu, mà các bệnh viện mới là đơn vị ký hợp đồng với nhà thầu cung cấp thuốc theo nguyên tắc thỏa thuận khung. Do đó, đấu thầu thuốc tập trung còn có tác dụng tránh tình trạng lưu kho, dẫn đến thuốc hết date, lãng phí ngân sách khi thuốc mua không có nhu cầu sử dụng. Nếu hiểu đúng, làm đúng, đấu thầu thuốc tập trung sẽ không tạo ra bất kỳ rào cản nào, ngược lại, sẽ có nhiều lợi ích đối với tất cả các bên gồm: bệnh viện, nhà thầu và người bệnh”.

Xây dựng kế hoạch mua sắm là khâu quan trọng

Một chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu thuốc cho biết, điều quan trọng hàng đầu của đấu thầu thuốc tập trung là xây dựng kế hoạch mua sắm phù hợp, có kế hoạch cụ thể để chủ động nguồn cung ứng thuốc. Đấu thầu thuốc tập trung hiện nay có hai cấp độ, trung ương và địa phương với danh mục thuốc đấu thầu tập trung tương ứng, nên hoàn toàn có thể chủ động được. Đấu thầu thuốc không phải là bất di bất dịch, cũng giống như những trường hợp khác, tùy vào tính chất hoàn toàn có thể  áp dụng hình thức khác, kể cả chỉ định thầu. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế mua sắm tập trung thông thoáng, linh động, chứ không thể cứng nhắc dẫn đến tình trạng ngắt quãng nguồn cung thuốc.

Đấu thầu thuốc tập trung: Đã có sự hiểu nhầm ảnh 1
Đấu thầu tập trung kiểm soát tốt về giá 

Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM Lưu Thị Thanh Huyền

Ai cũng thấy cái lợi của đấu thầu tập trung là thống nhất kiểm soát về giá. Công tác quy chế giám sát tiêu cực cũng đơn giản hơn so với đấu thầu riêng lẻ. Và trên lý thuyết, đấu thầu tập trung với số lượng mặt hàng lớn thì giá sẽ có lợi hơn.

Bảo hiểm xã hội TP.HCM đã từng tiến hành so sánh giá thuốc theo tên thành phẩm bao gồm 143 mặt hàng của 35 hoạt chất. Đây là các hoạt chất có trong danh mục áp thầu đã được cấp thẩm quyền phê duyệt với giá phổ biến đã được Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố rộng rãi. Từ so sánh này cho thấy, có đến 98 mặt hàng có giá áp thầu bằng giá phổ biến. Đặc biệt, qua so sánh và đối chiếu thì có đến 43 mặt hàng thuốc có giá thấp hơn với giá phổ biến.

Đấu thầu thuốc tập trung: Đã có sự hiểu nhầm ảnh 2
Nhà thầu ủng hộ đấu thầu thuốc tập trung

Ông Lê Văn Truyền, Phó Giám đốc Công ty Dược Savipharm

Triển khai đấu thầu tập trung, ngành y tế sẽ tự giải quyết được rất nhiều vấn đề hiện nay. Các DN dược trong nước như chúng tôi ủng hộ đấu thầu thuốc tập trung, vì đây là một chủ trương coi trọng hiệu quả cung ứng thuốc, đảm bảo sự cạnh tranh, minh bạch cho thị trường thuốc. Đấu thầu thuốc tập trung sẽ giúp Nhà nước tiết kiệm được nhiều chi phí hơn đấu thầu riêng lẻ. Quan trọng hơn, người dân, mà đa số thu nhập vẫn còn ở mức thấp và trung bình cũng có thể sử dụng thuốc một cách thuận lợi so với trước đây.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư