Kiềm chế lạm phát: Giảm chi phí trung gian, chống đầu cơ, găm hàng, đẩy giá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Xăng dầu tăng lần thứ 5 liên tiếp kể từ giữa tháng 4/2022 và thiết lập kỷ lục mới. Giá phân bón cũng đang ở mức cao nhất trong 50 năm qua. Nhiều loại nguyên liệu đầu vào khác cũng trong xu thế tăng giá. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, người dân và doanh nghiệp đang oằn mình trong bão giá, nên cần có các giải pháp giảm chi phí trung gian và kiểm soát chặt việc điều tiết giá cả để người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Giá nguyên vật liệu tăng ảnh hưởng tới giá thành sản xuất, làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời tạo áp lực lên chi phí sinh hoạt của người dân. Ảnh: Tiên Giang
Giá nguyên vật liệu tăng ảnh hưởng tới giá thành sản xuất, làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời tạo áp lực lên chi phí sinh hoạt của người dân. Ảnh: Tiên Giang

Thảo luận ở Hội trường Quốc hội ngày 1/6, đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn (TP.HCM) cho rằng, giá hàng hóa tiếp tục tăng, tín hiệu lạm phát đang rõ nét. Xu hướng từ nay tới cuối năm, giá cả nhiều mặt hàng có thể tăng cao hơn.

“Theo tính toán, giá nguyên vật liệu tăng 1% thì giá sản phẩm đầu ra tăng 2,06%, làm ảnh hưởng tới giá thành sản xuất, giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời tạo áp lực lên chi phí sinh hoạt của người dân. Do đó, chính sách ổn định giá trong thời gian tới nên được thiết kế theo hướng giảm tối đa chi phí trung gian cho nền kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Chính sách tài khóa nên tiếp tục xem xét miễn, giảm, giãn thuế. Đặc biệt, cần xem xét giảm thêm thuế nhập khẩu đối với nguyên vật liệu để sản xuất, kể cả một số mặt hàng tiêu dùng mà nguồn cung trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân”, ông Tuấn đề xuất.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, nền kinh tế nước ta có độ mở lớn nên bị chi phối nhiều bởi các yếu tố bên ngoài. Hiện giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, đẩy giá hàng hóa khác tăng theo. Đến nay không chỉ dừng ở xăng dầu, khí đốt mà đã lan sang vật tư phân bón, lương thực, thực phẩm, tác động thành chuỗi dây chuyền khiến chi phí dịch vụ tăng lên, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Bà Yến đề nghị Chính phủ cân nhắc, đánh giá sát tình hình, đưa ra các chính sách kiểm soát chặt và ổn định giá xăng dầu, điều hành linh hoạt chặt chẽ, hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tạo thuận lợi để kiềm chế lạm phát bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Bên cạnh đó cần công khai, minh bạch việc quản lý, điều tiết giá cả như xăng dầu, vật tư nông nghiệp, y tế, sách giáo khoa để cử tri và nhân dân được biết và giám sát.

Theo đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương), Chính phủ cũng như địa phương cần tập trung tăng cường kiểm soát giá các mặt hàng nhu yếu phẩm để tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, đẩy giá lên cao bất hợp lý. Đồng thời kiểm soát, hạ giá các dịch vụ công như xăng, dầu, điện nước. Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng sẽ tác động không nhỏ tới tình hình lạm phát trong thời gian tới.

Do đó, theo bà Dung, chính sách kiềm chế giá nhiên liệu đầu vào phải tiếp tục được áp dụng về lâu dài. Cần tính toán giảm một số khoản thuế, phí trong giá thành xăng, dầu để giảm nguy cơ lạm phát do tác động từ bên ngoài; khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, chủ động hơn trong phần nguyên liệu đầu vào; hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, gói tín dụng và việc cam kết duy trì đầu ra.

Đại biểu Châu Quỳnh Giao (Kiên Giang) cho biết, người nông dân đang oằn mình với bão giá nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là giá phân bón (chiếm 50% chi phí đầu vào của sản xuất nông nghiệp). Giá phân bón tăng lên mức cao nhất trong 50 năm qua, trong khi giá bán nông sản vẫn giữ ổn định ở mức thấp gây khó khăn cho nông dân. Người nông dân chịu rất nhiều thiệt thòi, họ đang rất lo có thể rơi vào tình trạng càng sản xuất càng thua lỗ, nếu kéo dài có thể gây rủi ro với an ninh lương thực quốc gia.

Do đó, bà Giao kiến nghị Chính phủ có giải pháp hỗ trợ người nông dân. Cụ thể, xem xét sửa Luật 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế. Trong đó, quy định phân bón là mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng thay vì không chịu thuế như hiện nay để được hoàn thuế và hưởng nhiều ưu đãi khác của Nhà nước, từ đó giảm chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, cần kiểm soát việc xuất khẩu phân bón để cân đối cung cầu hàng hóa trong nước, từ đó kiểm soát giá mặt hàng này, giảm gánh nặng cho người nông dân.

Chuyên đề