Khuyến khích mô hình EC với dự án hạ tầng giao thông lớn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo tôi, mô hình EC (thiết kế - xây lắp) có triển vọng là phương án hiệu quả trong triển khai các dự án hạ tầng giao thông, nên được khuyến khích áp dụng. Mô hình EC khắc phục được nhiều tồn tại khi triển khai riêng gói thầu thiết kế và gói thầu xây lắp. Khi hoạt động tư vấn thiết kế riêng rẽ với hoạt động thi công, có thể có những độ vênh nhất định cho dù cùng một công trình, dự án.

PGS. TS. Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng)

Nhiều dự án, thiết kế được duyệt nhưng khi xây lắp gặp những vấn đề phát sinh dẫn đến những sai khác so với thiết kế ban đầu. Thực tế này khiến các bên phải mất thời gian ngồi lại với nhau khắc phục, dẫn đến tiến độ thi công kéo dài.

Với gói thầu EC, trách nhiệm được xác lập rõ ràng khi gói thầu không bị “xé nhỏ”. Tổng thầu là chủ thể chịu trách nhiệm toàn diện cho các giai đoạn thực hiện từ thiết kế kỹ thuật, thi công và hoàn thiện đáp ứng chất lượng và tiến độ đề ra của dự án đã được phê duyệt.

Nhờ có vai trò tổ chức quản trị điều hành dự án xuyên suốt từ giai đoạn thiết kế kỹ thuật cho đến triển khai thi công và xử lý sự cố của tổng thầu EC, các giai đoạn thiết kế và thi công có sự phối hợp nhịp nhàng, khoa học công nghệ có thể tham gia để tối ưu hiệu quả điều hành. Công tác quản lý dự án của chủ đầu tư do vậy cũng được giảm tải đáng kể. Bên cạnh đó, dự án theo hình thức hợp đồng EC có thời gian triển khai được rút ngắn bởi các công tác thiết kế và xây dựng có thể thực hiện gối đầu, thời gian và thủ tục hành chính phục vụ công tác lựa chọn nhà thầu được tiết giảm.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong nước đủ lớn mạnh để đáp ứng vai trò tổng thầu EC. Đó cũng là cách khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp xây dựng trong nước có cơ hội phát triển lớn mạnh vươn tầm quốc tế.

Chuyên đề