Khúc mắc về thuế và hải quan: Chờ lời giải tại VBF

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) vẫn chưa thực hiện được sau 10 năm triển khai gây tồn đọng hồ sơ và phiền toái cho doanh nghiệp. Việc tham vấn giá khi làm thủ tục hải quan còn thiếu minh bạch. Đây là một số kiến nghị về lĩnh vực thuế và hải quan được các doanh nghiệp gửi đến Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên sắp diễn ra tại Hà Nội.
Một số kiến nghị về lĩnh vực thuế và hải quan được các doanh nghiệp gửi đến Diễn đàn VBF. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Một số kiến nghị về lĩnh vực thuế và hải quan được các doanh nghiệp gửi đến Diễn đàn VBF. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

APA là thỏa thuận giữa cơ quan thuế và người nộp thuế để xác định căn cứ tính thuế, phương pháp xác định giá tính thuế, tỷ suất lợi nhuận… làm cơ sở xác định trị giá tính thuế liên quan đến giao dịch liên kết. Công cụ này được cho là hữu hiệu để chống tình trạng lợi dụng chuyển giá để gian lận thuế.

Theo Nhóm công tác Thuế & Hải quan của VBF, APA là cần thiết vì đây là xu thế chung đang được cơ quan thuế các nước áp dụng hiệu quả để quản lý nguồn thu từ những giao dịch xuyên biên giới. Được biết, từ năm 2013 đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp làm việc với cơ quan thuế để thực hiện cơ chế này song chưa có hồ sơ nào được phê duyệt, dẫn tới tồn đọng số lượng lớn hồ sơ của người nộp thuế qua nhiều năm.

Theo quan sát của VBF, một khó khăn trong thực hiện APA là Việt Nam chưa công bố cơ sở dữ liệu thương mại sử dụng trong việc xử lý các hồ sơ giao dịch liên kết, dẫn tới chưa có cơ sở pháp lý để kiểm chứng và xử lý khi thương lượng với cơ quan thuế các nước. Không chỉ tồn đọng rất nhiều hồ sơ APA chưa được xử lý, người nộp thuế cũng không được cập nhật tiến độ xử lý hồ sơ thường xuyên. Trong khi đó, nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hản Quốc, Singapore, Indonesia, Malaysia... đã triển khai và xử lý rất hiệu quả cho người nộp thuế.

Từ thực tế đó, VBF khuyến nghị các cơ quan chức năng Việt Nam cần quyết liệt chỉ đạo từ các cấp và xử lý dứt điểm các hồ sơ APA để tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế. Tránh tình trạng tồn đọng ở các cấp và không được thông báo kịp thời tiến trình xử lý hồ sơ tới người nộp thuế.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế Việt Nam cần lập tức công bố chính thức cơ sở dữ liệu thương mại được sử dụng trong xử lý hồ sơ APA và tăng tính pháp lý của cơ sở dữ liệu thương mại này để người nộp thuế áp dụng.

Mặt khác, cần bổ sung quy chế hướng dẫn cho Tổng cục Thuế về việc tham chiếu APA đã ký bởi các công ty trong cùng tập đoàn của người nộp thuế với các cơ quan thuế nước ngoài khác cùng chức năng với người nộp thuế tại Việt Nam, nhằm mục đích thúc đẩy nhanh tiến trình phê duyệt và thẩm định hồ sơ APA do đã có tiền lệ quốc tế.

Bên cạnh nội dung này, các doanh nghiệp cũng kiến nghị đến VBF về công tác tham vấn giá của cơ quan hải quan.

Cụ thể, theo quy định hiện hành, người khai hải quan tự kê khai, tự xác định trị giá hải quan theo các nguyên tắc và phương pháp xác định trị giá hải quan, chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính trung thực của các nội dung tự kê khai và tự xác định trị giá hải quan; nộp, xuất trình các chứng từ, tài liệu theo quy định.

Trong trường hợp cơ quan hải quan phát hiện có nghi vấn về gian lận trị giá do người khai hải quan kê khai thì sẽ thông báo thực hiện tham vấn theo quy định để làm rõ giá trị thực tế.

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam cho biết, thực tế, trong quá trình tham vấn giá, khi nhà nhập khẩu yêu cầu hải quan cung cấp cơ sở tính giá tham chiếu, yêu cầu này đã bị từ chối. Việc từ chối cung cấp cho các nhà nhập khẩu cơ sở xác định giá tham chiếu của hải quan làm suy yếu nguyên tắc “tham vấn”, tạo ra những tranh chấp không đáng có và dẫn đến việc thiếu tin tưởng vào tính khách quan của quá trình tham vấn giá.

Đại diện EuroCham kiến nghị, nên để cán bộ hải quan thực hiện tham vấn giá nắm được cơ sở xác định các giá trị của cơ sở dữ liệu và được quyền cung cấp thông tin cho nhà nhập khẩu để tạo điều kiện cho quá trình tham vấn giá minh bạch và hiệu quả hơn.

Đồng thời, cần đảm bảo kết quả tham vấn giá của hải quan sẽ có hiệu lực trong thời hạn 12 tháng, với điều kiện là giá trị khai báo trong khoảng thời gian 12 tháng không vượt quá ngưỡng giới hạn (ví dụ +/-5%) thì không yêu cầu doanh nghiệp tham vấn lại.

VBF với chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh” sẽ được tổ chức ngày 17/3 (phiên họp cấp kỹ thuật) và 19/3 (phiên họp cấp cao) tại Hà Nội.

Chuyên đề