Không vì tiến độ mà ảnh hưởng chất lượng đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nguồn vốn đầu tư công năm 2023 rất lớn, vừa tạo ra sức ép tiến độ, vừa đặt ra bài toán bảo đảm chất lượng dự án, công trình như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thách thức này đòi hỏi những bước đổi mới về quản trị, tổ chức thi công trên công trường, sự phối hợp chặt chẽ từ chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát và sự hỗ trợ từ chính sách…
Các nhà thầu tập trung nguồn lực, tranh thủ thời tiết thuận lợi tổ chức tăng ca, tăng kíp để hoàn thiện cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: Tứ Quý
Các nhà thầu tập trung nguồn lực, tranh thủ thời tiết thuận lợi tổ chức tăng ca, tăng kíp để hoàn thiện cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: Tứ Quý

Với sức ép giải ngân nguồn vốn lớn, tiến độ khẩn trương, các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2016 - 2021 đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang yêu cầu nhà thầu tăng ca, tăng kíp; tăng cường nhân lực, thiết bị, triển khai thi công cuốn chiếu các lớp móng, mặt đường tại những đoạn tuyến không phải theo dõi lún… Với cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Bộ GTVT chỉ đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long yêu cầu các nhà thầu duy trì tiến độ 3 ca, 4 kíp, không rút bớt máy móc, thiết bị để triển khai các dự án mới; tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ thời tiết thuận lợi tổ chức tăng ca, tăng kíp, thi công cuốn chiếu các lớp móng, mặt đường…

Bộ GTVT cũng yêu cầu các ban quản lý dự án tiếp tục theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện của những nhà thầu đang chậm tiến độ, kịp thời báo cáo Bộ GTVT điều chỉnh giảm khối lượng hợp đồng đã giao cho các nhà thầu này thực hiện tại các dự án thành phần thuộc Dự án Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 - 2025.

Trong khi đó, để đẩy nhanh giải ngân đi đôi với quản lý tốt chất lượng, một số địa phương hướng tới tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Ví dụ tại Quảng Ninh, lãnh đạo Tỉnh cho biết, cả năm 2023 chỉ khởi công mới 7 dự án để dồn lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh giải pháp quan trọng để đẩy nhanh tiến độ đi đôi với bảo đảm chất lượng là phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nếu “rải mành mành” thì nguyên làm thủ tục cho mỗi dự án nhỏ cũng mất thời gian. Đồng thời, phân cấp phân quyền đi đôi với phân bổ quyền lực, cá thể hóa trách nhiệm. Ví dụ đường cao tốc, trước chỉ Bộ GTVT làm, nay phân cấp các địa phương, gắn với lợi ích của địa phương nên trách nhiệm sẽ cao trong kiểm soát tiến độ, chất lượng…

Khoa học, công nghệ mới có thể giải quyết được vấn đề hài hòa giữa mong muốn về tiến độ và chất lượng công trình. Ảnh: Lê Tiên

Khoa học, công nghệ mới có thể giải quyết được vấn đề hài hòa giữa mong muốn về tiến độ và chất lượng công trình. Ảnh: Lê Tiên

Với quan điểm đẩy nhanh tiến độ nhưng phải đặt chất lượng lên hàng đầu, PGS. TS. Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh, có những công đoạn mà dù tăng ca, tăng kíp cũng không thể rút ngắn tiến độ, phải tôn trọng giải pháp kỹ thuật, ví dụ xử lý nền đất yếu cần có thời gian; làm lớp rải đường thì lớp đá dăm phải ủ mấy tháng mới đưa ra, không ủ cứ đưa ra để chạy tiến độ là không đạt; bê tông phải 28 ngày mới đạt cường độ, muốn rút ngắn thời gian 3 ngày đạt cường độ như 28 ngày thì phải dùng phụ gia, nghĩa là mất thêm tiền.

Ông Trần Chủng dẫn chứng sự cố của hầm chui Văn Thánh (TP.HCM) là bài học sâu sắc cho việc ép tiến độ mà bỏ qua tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật. Cụ thể, theo yêu cầu kỹ thuật, công trình cần 11 tháng để xử lý nền đất yếu, nhưng khi đó vì quyết tâm thông xe sớm nên đã thi công sớm hơn 5 - 6 tháng, đưa vào sử dụng 6 tháng là nền đường bị lún hơn 1m, đúng như thiết kế đã tính toán.

Từ góc độ của người làm công tác quản lý chất lượng công trình nhiều năm, ông Trần Chủng cho rằng, muốn bảo đảm tiến độ và chất lượng, các nhà thầu phải chủ động và có năng lực, tổ chức thi công, lao động trên công trường một cách khoa học, phải nhìn nhận được các rủi ro về kỹ thuật. Đẩy nhanh tiến độ như vậy thì phải nhận diện được thách thức về kỹ thuật là gì, để đưa ra giải pháp tổ chức công việc theo đường găng, phương pháp mới…

Quan trọng hơn, theo ông Trần Chủng, khoa học công nghệ mới có thể giải quyết được vấn đề hài hòa giữa mong muốn về tiến độ và chất lượng công trình. Do đó, có thể ứng dụng vật liệu mới, công nghệ mới vào tổ chức thi công… để rút ngắn thời gian. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ mới sẽ phát sinh thêm chi phí và khó thanh, quyết toán. Chính phủ cần có chính sách riêng để ủng hộ ứng dụng công nghệ mới vào quản trị, thi công những công trình trọng điểm như cao tốc.

Chuyên đề