Không “đổi chủ”, BOT Bắc Giang - Lạng Sơn có về đích đúng hẹn?

(BĐT) - Mặc dù đã ra “tối hậu thư” về việc sẽ chấm dứt hợp đồng với Liên danh nhà đầu tư Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, nhưng cuối cùng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vẫn quyết định không “đổi chủ” dự án này.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Lý do mà Bộ GTVT đưa ra là vì Liên danh nhà đầu tư đã thực hiện đúng các cam kết trước đó như nộp đủ vốn chủ sở hữu, ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng… 

Không chấm dứt hợp đồng với Liên danh nhà đầu tư

Dự án BOT Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - TP. Lạng Sơn (gọi tắt là BOT Bắc Giang - Lạng Sơn) được khởi công ngày 5/7/2015, do Liên danh Công ty CP Đầu tư UDIC - Công ty CP Đầu tư 468 - Công ty CP Giao thông xây dựng số 1 - Công ty TNHH Mỹ Đà - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư là 12.188,66 tỷ đồng; sử dụng 100% vốn của nhà đầu tư tư nhân. Trong đó, Công ty CP Đầu tư UDIC góp hơn 491 tỷ đồng (chiếm 38% vốn chủ sở hữu); Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành góp vốn hơn 349 tỷ đồng (chiếm 27% vốn chủ sở hữu); Công ty CP Đầu tư 468 góp vốn hơn 194 (chiếm 15% vốn chủ sở hữu). 2 công ty còn lại là Công ty CP Giao thông xây dựng số 1 và Công ty TNHH Mỹ Đà, mỗi công ty góp hơn 129 tỷ đồng (chiếm 10% vốn chủ sở hữu).

Theo dự kiến ban đầu, Dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2018, với thời gian thu phí hoàn vốn đầu tư là 21 năm 5 tháng. Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng với Bộ GTVT, Liên danh nhà đầu tư đã vi phạm các quy định về huy động vốn chủ sở hữu, vốn vay và bảo đảm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng. Việc Liên danh nhà đầu tư không thể thu xếp được vốn chủ sở hữu và ký được hợp đồng tín dụng vay vốn với ngân hàng đã khiến dự án BOT này rơi vào bế tắc và “dậm chân tại chỗ” trong gần 1 năm. Vào tháng 3/2017, Bộ GTVT đã phải ra văn bản dự kiến phương án chấm dứt hợp đồng với Liên danh nhà đầu tư BOT.

Trả lời Báo Đấu thầu mới đây, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Trưởng ban Ban PPP thuộc Bộ GTVT cho biết, việc xử lý chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư dự án BOT phải tuân thủ đúng quy định Hợp đồng BOT đã ký giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư. Theo đó, nếu nhà đầu tư vi phạm các điều khoản của Hợp đồng BOT, Bộ GTVT phải thông báo cho nhà đầu tư để khắc phục hoặc thống nhất kế hoạch khắc phục. Trường hợp nhà đầu tư không khắc phục được, hoặc các bên không thống nhất được kế hoạch để khắc phục, Bộ GTVT sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư. Đối với Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, mặc dù Bộ GTVT đã tổ chức họp, thương thảo, thống nhất kế hoạch xử lý các vi phạm, tuy nhiên do sau đó, Liên danh nhà đầu tư đã thực hiện đúng các cam kết trước đó (nộp bảo lãnh, nộp đủ vốn chủ sở hữu, ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng ngày 31/5/2017), nên Bộ GTVT đã không chấm dứt hợp đồng với Liên danh nhà đầu tư.

Quan ngại về tiến độ công trình

Ông Nguyễn Viết Huy cho biết, theo tiến độ đã ký kết và thỏa thuận giữa Bộ GTVT và Liên danh nhà đầu tư mới đây, Dự án BOT Xây dựng đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã được gia hạn thời gian hoàn thành, thông xe trong năm 2019. Hiện Liên danh nhà đầu tư đang rất tích cực huy động nhân lực, máy móc và tài chính để triển khai các phần công việc ngoài hiện trường nhằm “bù” tiến độ cho Dự án. Đến thời điểm hiện tại, Liên danh nhà đầu tư đã thi công xong phần Quốc lộ 1, bắt đầu triển khai thi công phần cao tốc với tổng giá trị đạt khoảng 20%. Các địa phương có Dự án đi qua cũng đã bắt đầu vào cuộc để đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một chuyên gia về cầu đường cho biết, việc chấm dứt hợp đồng với liên danh nhà đầu tư BOT là việc “cực chẳng đã” với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, vì nếu thực hiện sẽ có rất nhiều việc “hậu trường” cần phải giải quyết sau đó như: trách nhiệm của các bên liên quan, lượng hóa giá trị khối lượng nhà đầu tư đã thực hiện, tìm nhà đầu tư thay thế để tiếp nhận dự án BOT dở dang…  Tuy nhiên, việc Bộ GTVT không chấm dứt hợp đồng với Liên danh nhà đầu tư cũng có thể khiến dư luận quan ngại về việc nhà đầu tư yếu kém vẫn tiếp tục thi công dự án hàng chục nghìn tỷ. Do đó, để tránh xảy ra sai sót, dẫn đến chậm tiến độ công trình một lần nữa, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải đôn đốc, kiểm tra chặt chẽ hơn nữa trách nhiệm của Liên danh nhà đầu tư trong triển khai Dự án.

Chuyên đề