Doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn ngân hàng do yêu cầu về tài sản bảo đảm. Ảnh: Hồng Kỳ |
Làm thế nào để phá băng mối quan hệ giữa DNNVV với hệ thống ngân hàng cũng như khởi xướng nhiều hơn các quỹ đầu tư khởi nghiệp đang là câu hỏi lớn đối với việc phát triển DNNVV trong giai đoạn hiện nay.
Thiếu khung pháp lý cho quỹ đầu tư mạo hiểm
Theo thông lệ quốc tế, startup là các cá nhân, nhóm cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đang trong quá trình hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh và hình thành mô hình kinh doanh có giá trị gia tăng cao, có khả năng tăng trưởng nhanh. Với bản chất rủi ro lớn của startup thì các kênh huy động vốn truyền thống như vay vốn ngân hàng hầu như là không thể. Vì vậy, gọi vốn đầu tư mạo hiểm cho startup là rất quan trọng.
Hiện nay, số lượng các quỹ đầu tư trong và ngoài nước cho startup ở Việt Nam không nhiều. Các quỹ ngoại như CyberAgent, 500 Startups, Golden Gate Ventures… hiện chỉ mở văn phòng đại diện. Một số quỹ đầu tư của các ngân hàng, công ty lớn cũng có hoạt động đầu tư cho DN nhưng hầu hết không đầu tư từ giai đoạn đầu và không đầu tư quy mô nhỏ. Trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 10 startup Việt Nam nhận được đầu tư từ những quỹ này. Trong khi đó, nhu cầu về vốn của các startup là rất lớn.
Thực tế là nhiều startup Việt đã thành lập công ty ở nước ngoài như Hong Kong hoặc Singapore… để có thể gọi vốn thuận lợi hơn. Còn tại thị trường trong nước, phần lớn các DN khởi nghiệp Việt Nam huy động vốn từ các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức chuyên đầu tư vào các startup ở giai đoạn đầu, khi DN chưa có lợi nhuận, thậm chí đầu tư vào các cá nhân/nhóm cá nhân chưa thành lập DN, mà chỉ mới đang ở giai đoạn phát triển sản phẩm, dịch vụ.
Khảo sát thực tiễn cho thấy, có nhiều nhà đầu tư tư nhân có nhu cầu góp vốn hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm cho startup, tuy nhiên hiện vẫn chưa có khung pháp lý để cho việc thành lập tổ chức quản lý và hoạt động của quỹ đầu tư mạo hiểm.
Phá băng quan hệ ngân hàng - DNVVN
Bà Hoàng Thị Hồng, Giám đốc Quỹ phát triển DNNVV khẳng định, DNNVV có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập. “Đây là chủ thể của phong trào khởi nghiệp. Tuy nhiên, DNNVV đang rất khó khăn trong tiếp cận vốn, các nguồn lực tài chính” - bà Hồng nhận định.
Ông Nguyễn Tấn Phước, Phó Trưởng ban thường trực BQL KCX&KCN TP.HCM cho biết, tại TP.HCM có 284.000 DNNVV, trong đó tỷ lệ hộ kinh doanh cá thể chiếm tỷ lệ lớn. “Đây luôn là đối tượng được chính quyền TP.HCM hỗ trợ để phát triển kinh doanh. các KCX&KCN, khu công nghệ cao… đều tích cực triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ DN thông qua các chương trình kích cầu đầu tư với kênh huy động vốn lớn từ các ngân hàng đối tác. Tháng 5/2016, Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp và Sáng tạo TP.HCM đã được thành lập bởi Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tại TP.HCM, Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM và SHB. “Quỹ này phấn đấu đạt quy mô nguồn vốn 100 tỷ đồng trong giai đoạn 2016 - 2020 và hướng đến hoạt động hỗ trợ, bảo trợ và đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp”, đại diện Quỹ cho biết.