Ảnh Internet |
Điểm mặt “ông lớn”
Thông tin tại cuộc họp báo ngày 1/3/2017, ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại thuộc Bộ Tài chính cho biết, tỷ trọng nợ của DNNN trong tổng dư nợ được Chính phủ bảo lãnh khoảng trên 80%. Trong danh mục nợ Chính phủ bảo lãnh, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam là những DN được bảo lãnh nhiều nhất.
Ông Hải cho rằng, điều này cũng thể hiện bên cạnh nhiệm vụ kinh doanh, các DN này còn thực hiện nhiệm vụ chính trị và Chính phủ cần hỗ trợ. Về nguyên tắc, bảo lãnh Chính phủ không phân biệt thành phần kinh tế, không chỉ bảo lãnh cho DNNN. Chính phủ vẫn bảo lãnh cho DN tư nhân, như một số dự án điện quy mô vừa ở khu vực phía Bắc, Thanh Hóa…
Liên quan đến các dự án xi măng đã được Chính phủ bảo lãnh, ông Hải cho biết, phần lớn được bảo lãnh lúc thị trường bất động sản vẫn còn phát triển mạnh. Khi thị trường bất động sản đổ vỡ, một số dự án xi măng phải thực hiện tái cơ cấu. Hiện Dự án Xi măng Đồng Bành đã được chuyển về cho Xi măng The Vissai và Vissai đã tiếp nhận trả nợ đầy đủ; Dự án Xi măng Hạ Long chuyển về cho Tổng công ty Xi măng Việt Nam - Vicem tiếp nhận và Vicem cũng đã trả đầy đủ các khoản nợ đến hạn do Chính phủ bảo lãnh.
Riêng Dự án Nhà máy Giấy Phương Nam không có khả năng thu hồi vốn, Chính phủ đang phải trả nợ thay. “Chúng tôi đang làm việc với đối tác ngân hàng của Áo để đàm phán phương án tài chính, chia sẻ rủi ro với khoản nợ này”, ông Hải cho biết.
Siết điều kiện cấp bảo lãnh
Theo thống kê của Bộ Tài chính, đến 31/12/2015, tổng dư nợ được Chính phủ bảo lãnh lên tới trên 459.000 tỷ đồng (xấp xỉ 21 tỷ USD), bao gồm cả nợ được bảo lãnh để tái cơ cấu Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC - tiền thân là Vinashin), chiếm khoảng 17,6% tổng dư nợ công và bằng 11,1% GDP.
Bộ Tài chính nhận định, nghĩa vụ nợ dự phòng được Chính phủ bảo lãnh là một trong những áp lực lên nợ công và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trong tương lai, bởi khi DN được bảo lãnh không trả được nợ thì Chính phủ cũng phải can thiệp, lúc đó nghĩa vụ nợ dự phòng trở thành nghĩa vụ nợ trực tiếp.
Theo ông Hoàng Hải, quy định tại nghị định cũ về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ (Nghị định số 15/2011/NĐ-CP) chưa có cơ chế giám sát, chưa có chế tài xử lý vi phạm; vai trò của cơ quan chủ quản, cơ quan liên quan còn mờ nhạt, chưa đủ mạnh, đặc biệt là cơ quan chủ quản DNNN. Vì thế khó khăn trong cơ chế xử lý, quy trách nhiệm khi dự án gặp khó khăn. Nghị định số 04/2017/NĐ-CP thay thế Nghị định 15 vừa có hiệu lực thi hành quy định rõ hơn về trách nhiệm của các bên liên quan đối với dự án được Chính phủ cấp bảo lãnh.
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, trước đây việc thẩm định dự án được Chính phủ bảo lãnh phần lớn dựa trên giải trình của chủ dự án, không có trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan như Bộ Xây dựng trong dự án xi măng, Bộ Công Thương trong dự án điện, sự phù hợp của dự án trong quy hoạch phát triển... Nghị định mới yêu cầu các bộ, ngành phải tham gia nhiều hơn, khi dự án rủi ro, sẽ quy lại ý kiến tham gia của các bộ, ngành và có trách nhiệm giải trình với Chính phủ. Các bộ không có nghĩa vụ trả nợ thay vì không có ngân sách, nhưng phải có trách nhiệm tham gia góp ý kiến về mặt chuyên môn và chịu trách nhiệm giải trình về ý kiến của mình nếu dự án gặp rủi ro.
Ngoài ra, các DN dựa vào sự hỗ trợ, bảo lãnh của Chính phủ trước kia phải đứng ra tự đối mặt với vấn đề tài chính của mình, các ngân hàng cũng không nên dựa vào sự bảo lãnh vô điều kiện của Chính phủ mà phải có trách nhiệm hơn nữa trong các khoản vay cho DN.
“Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ DN tiếp cận vốn vay thương mại thuần túy”, ông Hải cho hay và thông tin thêm, hiện EVN, PVN đang tiếp cận các ngân hàng trong nước và nước ngoài để thực hiện các dự án đầu tư trước kia cần sự bảo lãnh của Chính phủ.