Không bó hẹp DN tham gia đấu giá phế liệu tồn đọng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước phản ánh về việc doanh nghiệp không được tham gia đấu giá lô phế liệu tồn đọng tại cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) vì không có tên trong Danh sách tổ chức, cá nhân được cấp phép xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có phản hồi tới Báo Đấu thầu.
Có 5 tiêu chí lựa chọn cơ sở được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất tham gia đấu giá các lô hàng phế liệu tồn đọng. Ảnh: Nguyễn Nga
Có 5 tiêu chí lựa chọn cơ sở được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất tham gia đấu giá các lô hàng phế liệu tồn đọng. Ảnh: Nguyễn Nga

Ngày 20/5/2021, Báo Đấu thầu đăng bài “Bán đấu giá lô phế liệu tại Bà Rịa - Vũng Tàu: Điều kiện tham gia đấu giá cản trở doanh nghiệp?” phản ánh việc Công ty Đấu giá hợp danh tài sản Đông Đô từ chối bán hồ sơ đấu giá cho doanh nghiệp tham gia đấu giá lô phế liệu (nhựa, giấy) tồn đọng tại cảng Cái Mép. Lý do là doanh nghiệp không có tên trong Danh sách tổ chức, cá nhân được cấp phép xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (Danh sách được cấp phép), dù có đầy đủ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (GXNĐĐK); Giấy phép xử lý chất thải nguy hại...

Được biết, Danh sách được cấp phép mà tổ chức đấu giá đưa ra trong quy chế đấu giá dùng làm cơ sở để xét duyệt doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá là danh sách được Tổng cục Môi trường cung cấp cho Tổng cục Hải quan.

Tổng cục Môi trường cho biết, thời gian qua, thực hiện phân công của Tổ công tác liên ngành xử lý hàng hóa là phế liệu tồn đọng tại cảng biển, Tổng cục Môi trường đề xuất 5 tiêu chí lựa chọn các cơ sở được cấp GXNĐĐK tham gia đấu giá các lô hàng phế liệu tồn đọng.

Các tiêu chí bao gồm: có kho, bãi lưu giữ phế liệu nhập khẩu đáp ứng quy định và đảm bảo khả năng tập kết, lưu giữ khối lượng phế liệu tồn đọng tại cảng khi tham gia đấu giá; đảm bảo công suất, khả năng tiếp nhận phế liệu và còn hạn ngạch nhập khẩu phế liệu; không vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đến mức phải chịu hình thức xử phạt vi phạm hành chính; cơ sở sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất có vị trí địa lí phù hợp, không cách xa các cảng có phế liệu tồn đọng, phân bổ đều cho các cơ sở có năng lực, nhu cầu trên các tỉnh; ưu tiên các cơ sở đã được cấp GXNĐĐK với nhiều mã HS, các cơ sở trực tiếp sản xuất ra sản phẩm cuối cùng.

Tổng cục Môi trường đã đề xuất danh sách một số cơ sở đã được cấp GXNĐĐK tại các Công văn số 113/TCMT-QLCT ngày 13/1/2020, Công văn số 1670/TCMT-QLCT ngày 29/5/2020 để Tổng cục Hải quan chủ động lựa chọn các cơ sở tham gia tổ chức đấu giá các lô hàng phế liệu tồn đọng.

Để có tên trong Danh sách được cấp phép, Tổng cục Môi trường cho biết, sau khi đã được cấp GXNĐĐK, doanh nghiệp phải có văn bản đề nghị xem xét bổ sung vào danh sách các đơn vị có đủ năng lực tham gia xử lý phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam. Tổng cục Môi trường sau đó tiếp tục rà soát, bổ sung danh sách và gửi Tổng cục Hải quan xem xét, quyết định.

Ngoài các doanh nghiệp nằm trong Danh sách được cấp phép, doanh nghiệp vẫn có thể tham gia đấu giá khi đáp ứng 5 tiêu chí nêu trên và đã được cấp GXNĐĐK.

Cụ thể, theo văn bản phản hồi của Tổng cục Môi trường, trường hợp các cơ sở nhập khẩu phế liệu đã có GXNĐĐK và đáp ứng 5 tiêu chí nêu trên có quyền tham gia nộp hồ sơ đấu giá các lô hàng phế liệu tồn đọng theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan.

Chuyên đề