Chi phí logistics cao đang kéo giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Ảnh: Nhã Chi |
Thủ tướng tin tưởng rằng, tăng trưởng XK năm 2018 sẽ xác lập con số mới thuyết phục hơn năm trước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.
Hàng loạt khó khăn, thách thức
Đánh giá cao con số “kỷ lục” hơn 200 tỷ USD XK hàng hóa năm 2017, song Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế. Năm 2018 cũng như những năm tiếp theo, vấn đề bảo đảm cân đối xuất nhập khẩu là rất quan trọng, đặc biệt là kiểm soát nhập siêu so với kim ngạch XK. Một nước không cân bằng được xuất nhập khẩu hoặc nhập siêu cao cũng là cội nguồn của lạm phát cao, mà lạm phát cao thì kinh tế bấp bênh, đời sống người dân khó khăn. Do đó, cân bằng thương mại là vấn đề quan trọng trong điều hành.
Nhìn vào hoạt động XK hiện nay, người đứng đầu Bộ Công Thương chỉ rõ, thương mại toàn cầu tiềm ẩn những biến động khó lường khi quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa các nền kinh tế lớn đang trở nên căng thẳng trong những ngày gần đây. Chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại và thể hiện rõ ràng. Cùng với đó, các nước nhập khẩu áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe. Đây là một trong những khó khăn lớn nhất mà XK Việt Nam phải đối mặt.
Ở góc độ doanh nghiệp (DN), ông Trương Văn Cẩm thuộc Hiệp hội Dệt may Việt Nam phản ánh, ngành dệt may Việt Nam có kim ngạch XK khá, nhưng vẫn chủ yếu là gia công. Nội bộ ngành dệt may có sự phát triển mất cân đối. Nguồn vải may cho XK chủ yếu vẫn là nhập khẩu (chiếm trên 80% nhu cầu), tạo ra tình trạng nghẽn tại khâu dệt nhuộm. Giá trị tăng thêm của may XK mới đạt khoảng 50%. Các DN vẫn phải chịu chi phí cao.
Bổ sung thêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Trương Đình Hòe nhìn nhận, chi phí cầu đường trong vận chuyển đường bộ ngày càng lớn và trở thành gánh nặng cho DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa.
Đồng tình với các ý kiến trên, Thủ tướng cho rằng, chi phí của DN còn cao, trong đó chi phí logistics vẫn còn chiếm tới 20% GDP, bên cạnh đó là chi phí vốn, chi phí tiền lương, chi phí không chính thức… Điểm nghẽn này là một trong các nguyên nhân làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa XK Việt Nam.
Liên quan đến việc quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa XK, Thủ tướng khẳng định, về cơ bản hàng hóa XK của chúng ta có chất lượng tốt, được thị trường quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, vẫn còn có những “con sâu làm rầu nồi canh”, làm mất uy tín hàng hóa XK như các vụ việc: Cà phê trộn pin, tôm bơm hóa chất, thuốc chữa ung thư làm bằng than tre… “Tôi đề nghị cần khởi tố, điều tra nghiêm túc để bảo vệ hàng hóa Việt Nam, thương hiệu Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh.
5 câu hỏi lớn chờ lời giải
Trong bối cảnh nền kinh tế có độ mở lớn, XK ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng nêu ra 5 câu hỏi lớn để các đại biểu tập trung làm rõ, tìm giải pháp thúc đẩy XK. Đó là: Làm sao tăng được giá trị gia tăng XK? Sáng kiến gì để chỉ ra và loại bỏ những nút thắt lớn trong XK? Làm sao để DN có thể nắm bắt được thông tin thị trường, quy định pháp luật ở nước ngoài, những cơ hội và rủi ro, những định hướng thị trường đối với sản xuất, XK? Tạo cầu cho hàng hóa thế nào? Và đâu là khâu yếu của Việt Nam trong XK hiện nay (ngoại ngữ, hay pháp luật, hay chất lượng, hay cả ba)?
Cảnh báo tình hình quốc tế có những thay đổi lớn, cạnh tranh hơn, bảo hộ thương mại gia tăng, công nghệ thay đổi nhanh, Thủ tướng chỉ đạo, phải thay đổi tư duy chiến lược và hành động mau lẹ hơn về xuất nhập khẩu thì mới có thể đưa đất nước bứt phá đi lên.
Hiến kế gỡ nút thắt, thúc đẩy XK, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề xuất 3 nhóm giải pháp lớn: Nhóm giải pháp tác động vào phía cung; nhóm giải pháp tác động vào phía cầu; và nhóm giải pháp có tác dụng hỗ trợ, tác động vào khâu tổ chức XK, kết nối giữa cung và cầu.
Các ý kiến khác cũng đề nghị Chính phủ cần có giải pháp xây dựng hệ thống logistics hiện đại, thông suốt và phí rẻ hơn; tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN trong các vấn đề liên quan đến chính sách thuế, phí, lệ phí, hải quan, kiểm tra chuyên ngành, các vấn đề liên quan đến chi phí sản xuất kinh doanh…
Để dệt may không bị mang tiếng chỉ là ngành “gia công”, ông Cẩm đề nghị các tỉnh tạo điều kiện cấp phép cho các dự án đầu tư vào ngành dệt nhuộm, ưu tiên các DN đầu tư có công nghệ hiện đại. Ông cũng đề nghị TP. Hải Phòng sớm rà soát, tính toán lại cho hợp lý, giảm chi phí cảng biển bảo đảm nguyên tắc thu phí để bù đắp chi phí đã đầu tư, phù hợp với sức chịu đựng của DN theo quy định của Luật Phí và lệ phí.