Khởi công xây dựng cảng Liên Chiểu: “Ngay bây giờ phải tính đến nguồn hàng phục vụ cảng”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, để cảng Liên Chiểu đạt công suất khai thác như quy hoạch đề ra, tiến đến trở thành cảng biển quốc tế, ngay từ bây giờ, Đà Nẵng phải tính đến chiến lược thu hút và chủ động được nguồn hàng, bao gồm xuất khẩu, nhập khẩu và nguồn hàng tại chỗ.
Lễ khởi công bến cảng Liên Chiểu, phần cơ sở hạ tầng dùng chung
Lễ khởi công bến cảng Liên Chiểu, phần cơ sở hạ tầng dùng chung

Sáng 14/12, UBND TP. Đà Nẵng tiến hành khởi công xây dựng cảng biển Liên Chiểu (phần cơ sở hạ tầng dùng chung). Dự và bấm nút khởi công xây dựng công trình có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Uỷ viên Bộ Chính trị - Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang…

Tại Lễ khởi công, đại diện chủ đầu tư - ông Lê Thành Hưng, Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP. Đà Nẵng cho biết, theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cảng biển Đà Nẵng là cảng biển lớn nhất khu vực Miền Trung được quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt. Trong đó, Liên Chiểu là khu bến chính đóng vai trò là cảng cửa ngõ quốc tế khu vực miền Trung, tiếp nhận tàu có trọng tải 100.000D WT và lớn hơn, quy mô gồm các bến container, tổng hợp, hàng rời, bến cảng hàng lỏng/khí và các bến công vụ, sà lan.

Trước khi dự Lễ khởi công, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và các đại biểu đã khảo sát thực tế, nghe báo cáo quy hoạch vị trí xây dựng và phân kỳ đầu tư cảng Liên Chiểu.

Trước khi dự Lễ khởi công, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và các đại biểu đã khảo sát thực tế, nghe báo cáo quy hoạch vị trí xây dựng và phân kỳ đầu tư cảng Liên Chiểu.

“Hiện nay, cảng biển Đà Nẵng là cảng biển duy nhất tại khu vực miền Trung đã thiết lập 30 chuyến tàu container cập cảng/tuần, trong đó có 7 tuyến nội địa và 23 tuyến quốc tế đi các nước Nội Á. Đây là các tiền đề quan trọng thu hút các hãng tàu thiết lập tuyến biển xa đi châu Âu, Bắc Mỹ, châu Phi khi các bến Liên Chiểu được đưa vào khai thác”, ông Hưng cho biết.

Đánh giá về sự kiện khởi công và vai trò quan trọng của cảng biển Liên Chiểu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là bước chuyển cụ thể rất thiết thực, để hiện thực hóa mục tiêu chiến lược tại Nghị quyết số 43/NQ-TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 sớm đưa Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của nước ta và Đông Nam Á.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, việc Nhà nước đầu tư cảng Liên Chiểu không có nghĩa là chỉ đầu tư cho Đà Nẵng mà đầu tư cho cả vùng miền Trung, hướng đến quy mô kinh tế cả Vùng, hay ít nhất là các tỉnh lân cận, để cùng chia sẻ không gian, năng lực khai thác và trao đổi hàng hoá. Vì vậy, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, UBND TP. Đà Nẵng, chủ đầu tư và các bên liên quan lưu ý một số vấn đề trong quá trình triển khai, sau triển khai và đưa vào khai thác.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý Đà Nẵng, chủ đầu tư và các nhà thầu nhiều vấn đề quan trọng trong quá trình triển khai dự án.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý Đà Nẵng, chủ đầu tư và các nhà thầu nhiều vấn đề quan trọng trong quá trình triển khai dự án.

Thứ nhất, quá trình xây dựng không để xảy ra thất thoát, không tiêu cực, tham nhũng, đảm bảo chất lượng như thiết kế, đặc biệt là xây dựng đúng tiến độ, như đại diện Liên danh nhà thầu đã cam kết là đến năm 2025, đưa công trình vào khánh thành, sử dụng, phát huy hiệu quả.

Thứ hai, đầu tư ứng dụng các công nghệ hiện tại, nhất là công nghệ tự động hoá, công nghệ số khai thác cảng biển, hướng đến xây dựng mô hình cảng xanh, theo tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ ba, phải đạt mục tiêu giảm chi phí xây dựng hạ tầng cảng biển và logistic nhằm giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển này. “Đây là chi phí cạnh tranh giữa các cảng biển trong nước, nhất là khu vực miền Trung”, Chủ tịch nước lưu ý.

Thứ tư, đảm bảo tính đồng bộ trong đầu tư hạ tầng kết nối cảng biển và hạ tầng logictics, nhất là giao thông liên kết vùng, đường bộ, đường sắt, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ có liên quan.

Ngoài ra, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý Đà Nẵng chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cảng biển tương xứng với quy mô công trình và nhu cầu đặt ra, chuẩn bị trước các bước đầu tư hạ tầng cảng biển tạo ra hành lang hạ tầng đối ngoại đồng bộ, hoàn chỉnh khai thác hiệu quả, tối đa công năng vai trò của cảng Liên Chiểu.

Kế hoạch phân kỳ đầu tư cảng Liên Chiểu

Kế hoạch phân kỳ đầu tư cảng Liên Chiểu

Đặc biệt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, quy mô cảng phụ thuộc rất lớn vào nguồn hàng hoá tại chân công trình. Hàng nhiều, hàng chất lượng cao, thì hiệu quả cảng lớn, hàng ít thì hiệu quả sẽ giảm. Muốn có chân hàng, theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, phải tổ chức sản xuất, tổ chức dịch vụ tốt, thu hút các nguồn hàng trên thế giới, khu vực Đông Nam Á và ngay tại khu vực Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên.

Dự án Bến cảng Liên Chiểu - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung do Liên danh Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân - Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng DACINCO - Công ty CP Xây dựng Xuân Quang thực hiện gói xây lắp trị giá 2.945,63 tỷ đồng (giảm 208,25 tỷ đồng so với giá gói thầu). Đại diện Liên danh - Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân cam kết thi công hoàn thành Dự án đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ và an toàn lao động.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư