Ảnh Internet |
Cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe ô tô theo đề xuất của Bộ Tài chính sẽ có những đổi mới như thế nào, thưa ông?
Theo quy định hiện hành, có 3 phương thức bảo đảm xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe, gồm: Bố trí từ số xe hiện có của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; Thuê dịch vụ xe ô tô và Khoán kinh phí sử dụng xe ô tô. Việc áp dụng hình thức cụ thể do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định phù hợp với điều kiện thực tế. Trong đó, hình thức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện đăng ký và áp dụng đối với chức danh thứ trưởng và tương đương; các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe phục vụ công tác chung.
Nội dung này đã được quy định từ năm 2007. Tuy nhiên, việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đến nay hầu như chưa được thực hiện, một vài trường hợp có áp dụng nhưng chỉ duy trì trong một thời gian rất ngắn; vì vậy, thực tiễn để kiểm chứng chính sách còn hạn chế. Nay, một số bộ, ngành, địa phương bắt đầu triển khai thực hiện hoặc xây dựng phương án để thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô.
Trong dự thảo Quyết định quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước thay thế Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg, Bộ Tài chính dự kiến phương án khoán kinh phí sử dụng xe ô tô như sau: Chức danh có hệ số phụ cấp từ 1,25 đến thứ trưởng và tương đương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập (chức danh quy định tại Điều 6 dự thảo Quyết định) sẽ khoán kinh phí sử dụng xe đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại. Trường hợp đi công tác thì bố trí xe phục vụ công tác chung phục vụ công tác hoặc nhận khoán theo hình thức tự nguyện.
Chức danh có hệ số phụ cấp lãnh đạo từ 0,7 đến dưới 1,25 và các chức danh được sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung tại tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp nhà nước khoán kinh phí sử dụng phương tiện khi đi công tác hoặc bố trí xe phục vụ công tác chung (nếu có).
Về nguyên tắc xác định mức khoán kinh phí, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét 2 phương án: Phương án 1, đưa chi phí sử dụng xe vào thu nhập với mức 6.500.000 đồng/tháng; mức khoán này được điều chỉnh khi chỉ số CPI tăng, giảm trên 20%. Phương án 2, mức khoán kinh phí xác định trên cơ sở đơn giá và khoảng cách thực tế đưa đón từ nhà đến cơ quan, khoảng cách đi công tác. Theo phương án này, đơn giá khoán là 16.000 đồng/km, được điều chỉnh khi chỉ số CPI tăng, giảm trên 20% hoặc quy định nguyên tắc xác định đơn giá khoán trên cơ sở đơn giá dịch vụ vận chuyển của phương tiện công cộng tương đương trên thị trường tại địa phương.
Cơ sở nào để Bộ Tài chính đưa ra đơn giá như trên, cao hơn giá taxi hiện nay khá nhiều?
Bộ Tài chính vừa khoán kinh phí sử dụng xe đối với các thứ trưởng dao động từ 2,3 triệu đồng đến 10 triệu đồng/tháng. Sau khi đi tìm hiểu, chúng tôi đưa ra mức 6,5 triệu đồng/tháng là tương đối phù hợp.
Về đơn giá 16.000 đồng/km, cao hơn đơn giá taxi hiện nay, đơn giá này được tính toán theo nhiều cơ sở, trong đó có cả căn cứ từ tiêu chuẩn giá trị xe hiện sử dụng. Nhìn vào có thể là cao, nhưng nếu so sánh với chi phí sử dụng 1 xe ô tô công hiện nay khoảng 320 triệu đồng/xe/năm, thì chi phí khoán sẽ tiết kiệm được một nửa hoặc hơn. Ngoài ra, đơn giá này chúng tôi cũng phải tính là đưa vào Quyết định của Thủ tướng thì quy định phải có sức sống, hạn chế phải điều chỉnh nhiều, nếu đưa vào 12.000 đồng/km, sang năm giá xăng dầu tăng nhiều sẽ phải sửa. Những con số này cũng còn phải lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương để đưa ra phương án hợp lý.
Bộ Tài chính đã tính toán 2 phương án: Phương án 1, tổng số xe phục vụ công tác chung giảm khoảng 42% so với số xe tại thời điểm Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg có hiệu lực và Phương án 2 thì tổng số xe phục vụ công tác chung giảm khoảng 62%.
Các đơn vị căn cứ tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe xác định số lượng xe được trang bị, số lượng xe dôi dư chậm nhất sau 6 tháng kể từ ngày Quyết định thay thế Quyết định 32/2015/QĐ-TTg có hiệu lực; hoàn thành việc xử lý xe dôi dư chậm nhất 12 tháng kể từ ngày Quyết định có hiệu lực.
Phương án xử lý xe ô tô dôi dư là bán chỉ định cho chức danh đang được trang bị xe (nếu có đề xuất); điều chuyển cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn thiếu xe so với tiêu chuẩn, định mức; bán đấu giá nộp tiền vào ngân sách nhà nước.
Đối với đội ngũ lái xe, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, tập đoàn có trách nhiệm bố trí, sắp xếp đội ngũ lái xe khi xử lý xe dôi dư theo quy định của pháp luật về lao động.
Việc đấu giá xe ô tô công theo nhiều ý kiến là hiệu quả chưa cao, dẫn đến “đấu giá chỉ như vở diễn” đã được sắp xếp. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Năm 2016, ngay sau khi có dư luận phản ánh về việc thanh lý xe ô tô công, Bộ Tài chính đã có công văn gửi các đơn vị yêu cầu chấn chỉnh, tăng cường hiệu quả công tác đấu giá và trách nhiệm của đơn vị thực hiện đấu giá xe.
Số liệu mà nhiều báo đưa là thanh lý 264 xe được 390 triệu đồng, trung bình 1,5 triệu đồng/xe, Bộ Tài chính cũng đã làm rõ, đó là giá trị còn lại của số xe này. Còn theo số liệu của 761 xe ô tô công đã thanh lý mà các bộ, ngành, địa phương có báo cáo thì qua giá thanh lý mỗi xe bình quân là 46,2 triệu đồng.
Việc đấu giá, thanh lý xe là do đơn vị có xe thực hiện theo quy định về bán đấu giá tài sản nhà nước. Để đảm bảo hiệu quả, tôi cho rằng cần phải nâng cao chất lượng định giá tài sản, tăng cường cơ chế công khai, giám sát thông tin về quá trình thực hiện đấu giá.