Lợi nhuận của Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh có được là nhờ thanh lý gốc cao su. Ảnh: Nhã Chi st |
Ngoài ra, khả năng tạo tiền từ hoạt động kinh doanh và năng lực trả các khoản nợ ngắn hạn của Công ty cũng đang bị đặt dấu hỏi.
Lợi nhuận đến chủ yếu từ bán tài sản
Theo báo cáo tài chính bán niên 2017, nửa đầu năm doanh thu của Cao su Lộc Ninh đạt 136 tỷ đồng, giảm gần 7% so với cùng kỳ 2016. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán giảm nhanh hơn tốc độ giảm của doanh thu (giảm 28% từ 136 tỷ xuống còn 97 tỷ đồng) làm cho lợi nhuận gộp tăng từ 10,5 tỷ đồng lên gần 39 tỷ đồng (tăng 269%). Kết quả tích cực này một phần được hỗ trợ từ giá cao su thiên nhiên tăng trở lại trong nửa đầu năm 2017.
Mặc dù tỷ suất lợi nhuận gộp diễn biến tích cực nhưng hiệu quả quản lý chi phí của Cao su Lộc Ninh lại có dấu hiệu đi xuống. Cụ thể, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ 13 tỷ lên 17,5 tỷ đồng (tăng 34%). Chi phí tài chính vẫn luôn ở mức cao 24,5 tỷ đồng, tăng 3,6% (chi phí tài chính chủ yếu là lãi vay). Điều này đã làm cho lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ đạt hơn 1 tỷ đồng, cùng kỳ năm 2016 lỗ tới 23 tỷ đồng.
Lợi nhuận của Cao su Lộc Ninh có được là nhờ hoạt động thanh lý gốc cao su. Hoạt động này đã mang lại 50 tỷ đồng lợi nhuận (gấp 85 lần so với cùng kỳ 2016), giúp lợi nhuận ròng nửa đầu năm đạt gần 42 tỷ đồng (cùng kỳ 2016 lỗ 23 tỷ đồng).
Đáng chú ý là nhiều năm gần đây lợi nhuận của Cao su Lộc Ninh đang phải trông cậy vào việc bán tài sản cố định. Cụ thể, lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh năm 2016 là âm 14 tỷ đồng, nhưng Công ty vẫn thoát lỗ nhờ khoản thu 84 tỷ đồng từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định. Năm 2015, thanh lý tài sản cũng mang về cho Cao su Lộc Ninh 116 tỷ đồng và bù đắp cho khoản lỗ thuần hoạt động kinh doanh là 2,6 tỷ đồng. Năm 2014 cũng tương tự, trong khi lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh là âm 64 tỷ đồng, thì bán tài sản lại mang về tới 140 tỷ đồng, giúp Công ty ghi nhận lợi nhuận ròng 60 tỷ đồng.
Lợi nhuận của một doanh nghiệp được chia làm 2 phần: lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh và lợi nhuận khác. Trong đó, lợi nhuận thuần của hoạt động kinh doanh là kết quả cuối cùng của hoạt động kinh doanh và luôn được mong chờ là thành phần chính trong tổng lợi nhuận của doanh nghiệp. Chính vì vậy, lợi nhuận thuần của hoạt động kinh doanh là một thông tin quan trọng để đánh giá triển vọng của doanh nghiệp trong tương lai.
Áp lực nợ ngắn hạn
Khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của Cao su Lộc Ninh cũng đang ở mức đáng quan ngại. Cụ thể, tại thời điểm 30/6/2017, hệ số khả năng thanh toán hiện hành của Công ty (tổng tài sản ngắn hạn trên tổng nợ ngắn hạn) là 0,82. Hệ số này nhỏ hơn 1 cho thấy Công ty đang ở trong tình trạng tài chính tiêu cực, có khả năng không trả được các khoản nợ khi đáo hạn. Công ty có bán hết tài sản ngắn hạn cũng không đủ tiền trả các khoản nợ ngắn hạn đang đến. Báo động hơn là vay và nợ thuê tài chính lại chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nợ ngắn hạn. Tại thời điểm 30/6/2017, con số này là 385 tỷ đồng, tăng 6,8% so với đầu năm và chiếm 79,8% tổng nợ ngắn hạn.
Khả năng tạo tiền từ hoạt động kinh doanh của Cao su Lộc Ninh cũng ở mức báo động. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Công ty nửa đầu năm âm 149 tỷ đồng. Từ năm 2014 - 2016, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Cao su Lộc Ninh lần lượt là âm 64 tỷ đồng, âm 101 tỷ đồng và âm 49 tỷ đồng. Tiền của Công ty phụ thuộc vào thanh lý, nhượng bán tài sản cổ định và đi vay nợ.
Một doanh nghiệp tốt cần phải lấy dòng tiền từ hoạt động kinh doanh để trang trải các khoản vay, thanh toán cho nhà cung cấp. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh mà âm liên tục trong nhiều quý, nhiều năm là một dấu hiệu cho thấy Công ty đang thiếu tiền. Theo kế hoạch, Cao su Lộc Ninh sẽ được cổ phần hóa trong thời gian tới. Tuy nhiên, với tình trạng sức khỏe “èo uột” như hiện nay, liệu Công ty có phải là món hàng giá trị trong mắt các nhà đầu tư?