Cơ chế triển khai đấu giá cổ phần nhà nước tại doanh nghiệp vẫn còn bất cập. Ảnh: st |
Không thể bỏ phương thức chào bán cạnh tranh
Với nhiều năm kinh nghiệm thực hiện đấu giá cổ phần của doanh nghiệp nhà nước, ông Nguyễn Như Quỳnh, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho rằng, cần hoàn thiện cơ chế triển khai đấu giá, bởi vẫn còn bất cập.
Cụ thể, theo Nghị định 32/2018/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, nếu việc đấu giá cổ phần không thành công thì chuyển sang chào bán cạnh tranh. “Tuy nhiên, Nghị định 32 quy định việc chào bán cạnh tranh lại không khác gì đấu giá. Như vậy, đặt ra phương thức chào bán cạnh tranh là không cần thiết. Mặt khác, sau khi bán đấu giá không thành công lại chào bán cạnh tranh ngay mà không điều chỉnh giá bán cổ phần, thì chào bán cạnh tranh khó thành công, vừa tốn phí và thời gian triển khai”, ông Quỳnh nói.
Phản hồi ý kiến này, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính cho biết, đã có ý kiến đề xuất xem xét bỏ phương thức chào bán cạnh tranh trong quy trình bán cổ phần hoặc rút ngắn thời gian công bố thông tin chào bán cạnh tranh từ 20 ngày xuống còn 7 ngày.
Tuy nhiên, theo vị Cục trưởng này, đề xuất bỏ phương thức chào bán cạnh tranh là không có cơ sở pháp lý do vi phạm trình tự thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Ngoài ra, việc rút ngắn thời gian công bố thông tin chào bán cạnh tranh từ 20 ngày xuống còn 7 ngày chưa đáp ứng được nguyên tắc công khai, minh bạch thông tin đối với các nhà đầu tư trước ngày tổ chức chào bán cạnh tranh.
Bổ sung quy định về giá khởi điểm
Ông Đặng Quyết Tiến cho biết thêm, trên cơ sở kết quả rà soát một số nội dung liên quan đến đấu giá cổ phần, cơ quan này dự kiến trình Chính phủ kiến nghị bổ sung hướng dẫn quy định về xác định giá khởi điểm trong trường hợp thực hiện các phương thức đấu giá, chào bán cạnh tranh, thỏa thuận mà vẫn không chuyển nhượng hết số vốn nhà nước/vốn của DNNN cần chuyển nhượng.
Theo đó, sau khi thực hiện các phương thức đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, thỏa thuận để chuyển nhượng vốn mà vẫn không chuyển nhượng hết số vốn nhà nước/vốn của doanh nghiệp nhà nước cần chuyển nhượng thì cơ quan đại diện chủ sở hữu căn cứ nhu cầu thị trường lựa chọn thời điểm, khả năng phát triển của doanh nghiệp để tiếp tục thực hiện chuyển nhượng vốn, đồng thời quyết định xác định điều chỉnh mức giá khởi điểm đã công bố để tiếp tục thực hiện các phương thức giao dịch theo quy định.
Việc sử dụng một mức giá khởi điểm để thực hiện chuyển nhượng vốn theo các phương thức quy định phải đảm bảo nguyên tắc thời gian tối đa không quá 6 tháng kể từ thời điểm chứng thư thẩm định giá có hiệu lực đến ngày giao dịch cuối cùng (đối với trường hợp giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán); hoặc tính đến ngày công bố trúng giá chuyển nhượng vốn (đối với phương thức đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh) hoặc tính đến ngày ký hợp đồng chuyển nhượng vốn (theo phương thức thỏa thuận).
Cụ thể, đối với chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần đã niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, phải bảo đảm không thấp hơn: giá trị sổ sách của doanh nghiệp có vốn góp; giá tham chiếu bình quân 30 ngày liên tiếp trước ngày phê duyệt phương án chuyển nhượng vốn của mã chứng khoán đã giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán; giá tham chiếu của mã chứng khoán của công ty cổ phần đang giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán tại ngày phê duyệt phương án chuyển nhượng vốn.
Đối với chuyển nhượng vốn đầu tư của Nhà nước tại các doanh nghiệp chưa niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, bảo đảm không thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách kế toán của doanh nghiệp có vốn góp.
Đối với chuyển nhượng vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước tại các doanh nghiệp chưa niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, bảo đảm không thấp hơn giá trị sổ sách của doanh nghiệp có vốn góp sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất vốn đầu tư.