Khẩn trương truy vết mầm bệnh trong cộng đồng ở Bắc Giang

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hai ổ dịch lớn trong Khu công nghiệp (KCN) Quang Châu và KCN Vân Trung, ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang có hơn 16 nghìn công nhân đến từ 14 tỉnh, thành trong cả nước. Nếu số công nhân lao động này về các địa phương sẽ gia tăng khả năng nguy cơ lây lan dịch trên diện rộng. Thần tốc truy vết các F1, F2 trong cộng đồng, không để lọt ca bệnh nào là điều phải làm khẩn cấp đối với Bắc Giang trong tình thế “nước sôi lửa bỏng” này.
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Tại buổi làm việc của Bộ Y tế với tỉnh Bắc Giang vào đêm 15/5, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - TS. Đặng Quang Tấn đánh giá, nguyên nhân dẫn đến đợt dịch bùng phát lần này tại Bắc Giang từ 2 nguồn lây chính.

Nguồn thứ nhất liên quan đến cặp vợ chồng mắc Covid-19 ở Lạng Sơn. Hai người này là công nhân ở KCN Vân Trung, huyện Việt Yên. Nguồn lây thứ 2 cũng liên quan trường hợp làm việc tại KCN Vân Trung. Sau đó, từ F0 này dẫn đến sự lây nhiễm cho công nhân tại KCN Quang Châu.

TS. Đặng Quang Tấn cho biết, qua phân tích có thể thấy, mức độ lây nhiễm dịch tại Bắc Giang rất nhanh, lây giữa phân xưởng và công ty với nhau dẫn đến diễn biến dịch phức tạp. Trong đó có rất nhiều nguyên nhân, chủ yếu là vấn đề giãn cách, vệ sinh môi trường lao động, quá trình đưa đón công nhân có đoạn đường di chuyển dài. Việc tiếp xúc trên xe trong thời gian dài, môi trường kín là một trong những điều kiện khiến dịch lây lan. Điều lo ngại là hiện tại, dịch chỉ mới được ghi nhận trong khoảng 1 - 2 ngày đầu. Rất có thể vài ngày tới, khi hết chu kỳ ủ bệnh, số lượng F0, F1 sẽ tăng cao.

Theo PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bắc Giang đừng chỉ để ý đến công ty mà “quên mất" truy vết cộng đồng. Chống dịch trong KCN là đồng bộ và "đi bằng 2 chân", vừa trong KCN vừa trong cộng đồng. Bắc Giang cần phải kích hoạt ngay Tổ Covid cộng đồng trong khu dân cư để kịp thời nắm được tình hình và truy vết được chính xác. Đối với các KCN, nhà máy thì cần phải thành lập Tổ an toàn Covid. Ông Trần Như Dương đề nghị, Bắc Giang từ ngày 16/5, phải tổng rà soát các khu dân cư, những người ho, sốt đều phải coi là ca bệnh nghi ngờ lấy mẫu bệnh phẩm ngay lập tức.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Đặng Quang Tấn cho biết, đội truy vết của Bộ Y tế đã chọn ngẫu nhiên 60 số điện thoại của người tiếp xúc gần (F1) với ca bệnh tại Bắc Giang để “kiểm tra”, thì các số được gọi cho biết, họ chưa được quan tâm, chưa được địa phương quản lý chặt chẽ. Ông Tấn lo ngại, nếu không nắm được danh sách những người có liên quan này sẽ tiềm ẩn nhiều mối nguy cơ lớn. "Bởi, Bắc Giang có mật độ và số lượng công nhân rất đông. Khi công nhân về nơi lưu trú mà không được quản lý kịp thời, nếu chẳng may họ dương tính sẽ lây nhiễm cho người khác", ông Tấn cho hay.

Bắc Giang hiện có khoảng 60 khu cách ly tập trung. Theo ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Môi trường y tế, từ kinh nghiệm thực tiễn chống dịch ở Hải Dương cho thấy, Bắc Giang cần xây dựng kế hoạch, chi tiết cụ thể ngay từ đầu cho phương án cách ly.

"Cần phải tính các phương án ăn, ở cho người cách ly, nguồn thực phẩm ra sao để đảm bảo an toàn thực phẩm. Bởi, trong khu cách ly mà để ngộ độc thực phẩm thì coi như hệ thống y tế sập", ông Nam chia sẻ.

Để chống lây nhiễm chéo, các chuyên gia cũng nhắc nhở Bắc Giang cần thực hiện giảm mật độ tối đa trong khu cách ly, giảm số người sử dụng chung nhà vệ sinh trong phòng cách ly.

Hiện nay, nguồn lực y tế của Bắc Giang còn hạn chế, việc lấy mẫu xét nghiệm còn chậm, nên phải nhờ đến Trung ương và các địa phương lân cận như Quảng Ninh hỗ trợ. Ngay chiều 15/5, sau khi tới Bắc Giang, 200 nhân viên y tế tình nguyện của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) đã bắt tay vào lấy mẫu xét nghiệm. Các nhân viên y tế chia làm 10 tổ công tác để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ công nhân của Công TNHH Crystal Martin Việt Nam, KCN Quang Châu. Sau 9 giờ làm việc không ngừng nghỉ, các nhân viên y tế đã hoàn thành việc lấy mẫu tại công ty này và sau đó tiếp tục di chuyển để tiến hành lấy mẫu cho công nhân tại Công ty TNHH Công nghệ Lens Việt Nam. Toàn bộ số mẫu trên đã được chuyển về Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí để làm xét nghiệm bằng phương pháp Realtime RT-PCR.

Trước số ca mắc sẽ tăng cao trong những ngày tới, Thứ trưởng Bộ Y tế đã cử Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và 250 sinh viên trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương chi viện cho Bắc Giang hỗ trợ làm xét nghiệm. Đồng thời cử Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ thiết lập đơn vị điều trị tại bệnh viện dã chiến.

Bắc Giang đã thành lập Bệnh viện dã chiến số 3 và chuẩn bị phương án cho Bệnh viện dã chiến số 4, 5. Hai bệnh viện này đã được chuẩn bị đầy đủ điều kiện để khi cần thiết sẽ đưa vào sử dụng.

Bộ Y tế ủng hộ đề xuất 4 bệnh viện dã chiến của Bắc Giang, đồng thời đề nghị Tỉnh phải kích hoạt Bệnh viện dã chiến số 2 đi vào hoạt động, đưa bệnh nhân Covid-19 nhẹ không có triệu chứng về điều trị.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề