Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Thắng Lợi trúng 2 gói thầu xây lắp thuộc Dự án Khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ biển phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: NC st |
Gói thầu nêu trên có giá dự toán 67,662 tỷ đồng, phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) từ ngày 14 - 25/5/2024. Vào thời điểm mở thầu, chỉ duy nhất Liên danh Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Thắng Lợi - Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Toàn Thắng - Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát dự thầu với giá 67,563 tỷ đồng và được công bố trúng thầu 2 ngày sau đó (ngày 27/5/2024), thời gian thực hiện hợp đồng 201 ngày.
Trước đó, ngày 16/5/2024, Báo Đấu thầu đã có bài “Gói thầu xây kè tại Quảng Bình: Kiến nghị có được tiếp thu?” phản ánh ý kiến của nhà thầu về yêu cầu kinh nghiệm thực hiện hợp đồng xây lắp tương tự. Theo đó, HSMT yêu cầu nhà thầu đã hoàn thành toàn bộ hoặc hoàn thành phần lớn tối thiểu 2 công trình có loại kết cấu: công trình đê, kè biển; đê, kè cửa sông thuộc công trình NN&PTNT; đã từng thi công công trình NN&PTNT có hạng mục thi công cọc cừ ván bê tông dự ứng lực SW.
Nhà thầu cho rằng, yêu cầu “đã từng thi công công trình NN&PTNT có hạng mục thi công cọc cừ ván bê tông dự ứng lực SW” là điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, vi phạm khoản 3 Điều 44 Luật Đấu thầu.
Đồng thời, đối với vật tư, vật liệu: đất đắp, cát, đá các loại…, HSMT yêu cầu “có cam kết của nhà cung cấp hoặc có hợp đồng nguyên tắc với nhà cung cấp ghi rõ tên gói thầu và tên công trình; có giấy tờ pháp lý chứng minh kèm theo (giấy phép khai thác còn hiệu lực) đối với mỏ cát, đất đắp, đá các loại có trữ lượng đáp ứng yêu cầu. Theo các nhà thầu, đất đắp, cát, đá dăm... là vật liệu xây dựng thông thường, có thể mua bán tự do trên thị trường từ bất kỳ nhà cung cấp nào miễn là khi trúng thầu và thực hiện hợp đồng, trước khi đưa các loại vật tư, vật liệu đó vào công trường để thi công, nhà thầu phải trình đầy đủ nguồn gốc xuất xứ, đặc tính, thông số kỹ thuật, tiêu chuẩn sản xuất, tiêu chuẩn kỹ thuật... đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của HSMT. Do đó, nhà thầu cho rằng, các yêu cầu trên vi phạm điểm e, mục 1, Phụ lục 8 Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT và đề nghị loại bỏ yêu cầu này ra khỏi HSMT.
Tuy nhiên, Bên mời thầu cho rằng các yêu cầu nêu trên là phù hợp quy định hiện hành và không điều chỉnh HSMT.
Cùng thời điểm, Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Thắng Lợi cũng được công bố trúng Gói thầu số 15/XL-KBQP Thi công xây dựng hạng mục tuyến kè sửa chữa và đường cứu hộ, cứu nạn (bao gồm chi phí dự phòng) thuộc cùng Dự án với giá 21,674 tỷ đồng (giá dự toán 21,703 tỷ đồng). Tại gói thầu này, đối thủ duy nhất của Xây dựng tổng hợp Thắng Lợi là Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô bị loại ở bước đánh giá tư cách hợp lệ do bảo đảm dự thầu không hợp lệ, có kèm theo các điều kiện gây bất lợi cho chủ đầu tư, bên mời thầu.
Theo tìm hiểu, tại Ban Nông nghiệp Quảng Bình, Xây dựng tổng hợp Thắng Lợi từng trúng Gói thầu số 12/XL-CCNL Xây lắp, thiết bị và bảo hiểm công trình (giai đoạn 1) thuộc Dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Nhật Lệ, TP. Đồng Hới (Dự án Cảng cá Nhật Lệ) - giai đoạn 1 với giá 39,258 tỷ đồng (giá gói thầu 39,269 tỷ đồng). Tại gói thầu này, cả 3 đối thủ của Xây dựng tổng hợp Thắng Lợi đều bị loại từ “vòng gửi xe”. Trong đó, Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Xuân Quang không có tài liệu chứng minh năng lực kỹ thuật (không có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng); Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Kỳ Mỹ không đáp ứng năng lực tài chính và kinh nghiệm; Liên danh Công ty CP Đầu tư và Phát triển kinh tế Việt Nam - Tổng công ty Xây dựng đường thủy không đáp ứng về năng lực tài chính.
Như vậy, với cả 3 gói thầu trúng thầu tại Ban Nông nghiệp Quảng Bình, Xây dựng tổng hợp Thắng Lợi đều không có đối thủ về giá, tỷ lệ giảm giá chưa tới 0,1%.