Kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 1911/QĐ-TTg ngày 15/11/2021 về việc thực hiện kết nối, chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư với các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành.
Việc kết nối, chia sẻ thông tin công dân giữa các CSDL phải được bảo đảm bảo mật, an ninh, an toàn thông tin mạng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Việc kết nối, chia sẻ thông tin công dân giữa các CSDL phải được bảo đảm bảo mật, an ninh, an toàn thông tin mạng theo quy định của pháp luật hiện hành.

Theo đó, về nguyên tắc chung, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành (CSDL khác) khi có một trong các thông tin về công dân trong CSDL quốc gia về dân cư thì phải bảo đảm điều kiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân và phải thực hiện kết nối với CSDL quốc gia về dân cư.

Việc kết nối, chia sẻ thông tin công dân giữa các CSDL phải được bảo đảm bảo mật, an ninh, an toàn thông tin mạng theo quy định của pháp luật hiện hành.

Việc sử dụng thông tin công dân trong CSDL quốc gia về dân cư tuân thủ theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân và Nghị định số 37/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân.

Đối với việc chia sẻ thông tin công dân, Quyết định số 1911/QĐ-TTg nêu rõ, CSDL quốc gia về dân cư chia sẻ thông tin về công dân cho CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành và Cổng Dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thực hiện công tác quản lý theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

CSDL hộ tịch điện tử, CSDL về cư trú, CSDL Căn cước công dân, CSDL về y tế và CSDL chuyên ngành khác cung cấp thông tin về công dân cho CSDL quốc gia về dân cư theo quy định của pháp luật để bảo đảm thống nhất, đầy đủ, chính xác, kịp thời của thông tin.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chia sẻ dữ liệu thông tin công dân thuộc lĩnh vực quản lý để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và công tác quản lý Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc kết nối, chia sẻ giữa CSDL quốc gia về dân cư với CSDL khác. Đồng thời, chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đánh giá, kiểm tra lỗ hổng bảo mật, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin khi thực hiện việc kết nối, chia sẻ giữa CSDL quốc gia về dân cư với CSDL khác. Quản lý, vận hành CSDL quốc gia về dân cư đáp ứng yêu cầu kỹ thuật trong việc kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng, lưu trữ dữ liệu thông tin công dân để giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ công tác quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.

Việc kết nối, chia sẻ giữa CSDL quốc gia về dân cư với các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành cũng là một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm, thảo luận và chất vấn tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV.

Theo ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định), hiện nay việc quản lý dân cư chưa kịp thời, chưa chính xác và ảnh hưởng đến chất lượng của công tác phòng, chống dịch, cũng như thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Do vậy, ĐBQH tỉnh Bình Định kiến nghị cần sớm hoàn thiện CSDL quốc gia về dân cư, có sự kết nối, liên thông giữa các địa phương để quản lý chính xác dân cư hiện hữu, người thường xuyên sinh sống ở một địa bàn, nghề nghiệp chủ yếu. Trên cơ sở đó thực hiện các biện pháp quản lý dân cư, phân bổ vốn đầu tư phù hợp.

Trả lời chất vấn tại Kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng cho biết, việc triển khai các gói hỗ trợ an sinh xã hội đang được tiến hành khẩn trương, tuy nhiên hiện nay còn một số lượng nhỏ đơn vị đang rà soát danh sách lao động thuộc đối tượng hưởng hỗ trợ do khó khăn trong việc xác định các đơn vị sự nghiệp công lập. Để đảm bảo việc giải quyết và chi trả hỗ trợ đúng đối tượng, hạn chế tối đa các nguy cơ trục lợi, cơ quan Bảo hiểm Xã hội cần có thời gian để kiểm tra, đối chiếu chặt chẽ các điều kiện về thông tin cá nhân với CSDL quốc gia về dân cư; thông tin về tài khoản ngân hàng của người lao động. “Nếu kết hợp công nghệ thông tin với CSDL dân cư và CSDL lao động vào sử dụng, thì cơ bản sẽ khắc phục được các bất cập trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội thời gian qua như các trường hợp phát nhầm, nhận nhầm tiền hỗ trợ tại Bình Dương…”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định.

Chuyên đề