Nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước sẽ gặp khó khăn trong việc ổn định và giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Ảnh: Nhã Chi |
Không ngoài dự báo của giới phân tích, ngày 22/3, Fed nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, lên mức 4,75 - 5%. Đồng thời, Fed nêu quan điểm thận trọng về cuộc khủng hoảng ngân hàng hiện nay và việc tăng lãi suất trong tương lai sẽ phụ thuộc nhiều vào các số liệu kinh tế trong thời gian tới. Dự báo bình quân của các quan chức thuộc Ủy ban Thị trường mở (FOMC) của Fed cho biết, lãi suất sẽ đạt đỉnh ở 5,1%, không thay đổi so với lần dự báo hồi tháng 12 năm ngoái.
Giới phân tích cho rằng, quyết định này giúp Fed đạt được một số mục tiêu. Đó là, tiếp tục kiên định cuộc chiến chống lạm phát, đồng thời có tính đến bất ổn thị trường ngân hàng tại Mỹ và toàn cầu gần đây nên tăng lãi suất ở mức vừa phải.
Đánh giá về việc Fed tăng lãi suất lần này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, công tác điều hành chính sách tiền tệ nói chung và chính sách lãi suất nói riêng của Việt Nam sẽ ở “thế khó”. Bởi lẽ, Fed tăng lãi suất khiến đồng USD tăng giá và hút dòng vốn bằng USD về Mỹ, gây bất lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và thu hút vốn đầu tư của Việt Nam. Hơn nữa, trước áp lực lạm phát vẫn còn, việc giữ lãi suất thấp sẽ khiến công tác điều hành chính sách vĩ mô khó khăn.
“Trong thời gian tới, nếu Việt Nam tăng lãi suất thì sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, vốn đang gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, với động thái này của Fed, dù muốn nhưng NHNN cũng khó có thể duy trì chính sách lãi suất thấp. Trong trường hợp Fed tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp vào tháng 5 tới, nhiều khả năng NHNN sẽ phải tăng lãi suất”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Trong khi đó, TS. Châu Đình Linh, giảng viên trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, động thái tăng lãi suất lần này của Fed chắc chắn đã ở trong kịch bản của NHNN khi đưa ra quyết định giảm lãi suất vào ngày 14/3 vừa qua.
Ở thời điểm đó, NHNN nhận định, triển vọng kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định, lạm phát nhiều nước tiếp tục duy trì ở mức cao; tăng trưởng kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô tăng thấp hơn cùng kỳ. Tuy nhiên, lạm phát trong nước được kiểm soát, đồng thời tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) cũng đã nỗ lực tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất huy động. Do đó, NHNN quyết định giảm lãi suất điều hành nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân.
Theo ông Linh, chính sách điều hành lãi suất chịu tác động chủ yếu từ yếu tố tỷ giá, lạm phát, các chỉ báo tăng trưởng kinh tế, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tỷ giá USD/VND khá ổn định từ đầu năm đến nay, USD tăng giá khoảng 0,19% so với cuối năm 2022. Nỗ lực kiềm chế lạm phát đang được hỗ trợ bởi các yếu tố như: giá xăng dầu - yếu tố đầu vào chủ lực của nhóm hàng giao thông vận tải và hoạt động sản xuất, kinh doanh đã giảm đáng kể, giá thịt lợn - cấu phần quan trọng của nhóm hàng lương thực, thực phẩm trong “rổ” hàng hóa tính CPI cũng có xu hướng giảm… Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn giữ ổn định, 50 doanh nghiệp Mỹ vừa đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư. Trong khi đó, các chỉ báo của hoạt động sản xuất, kinh doanh như chỉ số sản xuất công nghiệp, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại thị trường trong 2 tháng đầu năm cho thấy nền kinh tế vẫn còn rất nhiều khó khăn.
“Cân đong các yếu tố trên, tôi cho rằng cần ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi, đồng thời, theo dõi chặt các biến động trên thị trường tiền tệ và lạm phát. Tuy nhiên, dư địa giảm lãi suất điều hành của NHNN còn lại rất hạn hẹp. Nếu vào cuộc họp tháng 5 năm nay, Fed tiếp tục tăng lãi suất thì NHNN sẽ phải xem xét nhiều yếu tố, thận trọng đánh giá và nỗ lực giữ ổn định lãi suất điều hành. Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để góp phần ổn định và giảm mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục”, ông Linh nhấn mạnh.