Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025: Đột phá mạnh mẽ về thể chế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt được những kết quả tích cực, song vẫn còn hạn chế, yếu kém. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là hệ thống thể chế kinh tế chưa đồng bộ, đầy đủ để đảm bảo thị trường vận hành thông suốt, hiệu quả. Do đó, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 nhấn mạnh quan điểm lấy hoàn thiện thể chế làm đột phá, đảm bảo nguồn lực được huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả.
Việc phát triển kinh tế tư nhân trong nước trở thành một trong những động lực tăng trưởng quan trọng vẫn gặp trở ngại về thể chế. Ảnh: Gia Khoa
Việc phát triển kinh tế tư nhân trong nước trở thành một trong những động lực tăng trưởng quan trọng vẫn gặp trở ngại về thể chế. Ảnh: Gia Khoa

Theo Tờ trình Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ, việc thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 vẫn còn hạn chế, yếu kém do nhiều nguyên nhân. Trong đó, hệ thống pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa đầy đủ đã kìm hãm việc thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Vì thế, việc thực hiện nhóm nhiệm vụ phát triển kinh tế tư nhân trong nước trở thành một trong những động lực tăng trưởng vẫn gặp nhiều khó khăn. Còn nhiều rào cản về thể chế đối với việc hình thành và phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là đất nông nghiệp. Cùng với đó, những bất cập về quyền tài sản bao gồm giao dịch bảo đảm, xử lý tài sản thế chấp, thủ tục phá sản… vẫn chậm được giải quyết, ảnh hưởng đến tiến độ cơ cấu lại doanh nghiệp (DN) nhà nước, cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra, một trong những khó khăn, vướng mắc hiện nay của DN có liên quan đến thể chế, chính sách.

Với mục tiêu lớn là tạo nên những thay đổi rõ nét hơn trong mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế, từng bước hướng tới nền kinh tế dựa vào khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đảm bảo phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2021 - 2025 nhấn mạnh cải cách thể chế, lấy thể chế làm đột phá trong phát triển.

Về cơ cấu lại đầu tư công, hoàn thiện thể chế theo hướng tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi quy định pháp luật gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả; giải quyết triệt để những quy định của pháp luật về đầu tư công còn vướng mắc, chồng chéo trong quá trình thực hiện ở tất cả các khâu. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống các công cụ để lập, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, trong đó bao gồm hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, giá xây dựng, suất vốn đầu tư xây dựng, mô hình thông tin công trình…

Cụ thể, về cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng, hoàn thiện thể chế lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng phù hợp với nguyên tắc thị trường, bảo đảm giữ an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống. Xây dựng tiêu chí phân loại, xếp hạng tổ chức tín dụng và hoàn thiện cơ chế quản lý, giám sát thích hợp với từng loại. Nghiên cứu hoàn thiện hành lang pháp lý để thí điểm các vấn đề mới phát sinh như cho vay ngang hàng, tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương. Nghiên cứu hoàn thiện khung khổ pháp lý về xử lý nợ xấu, tiến tới thành lập thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp...

Về cơ cấu lại ngân sách, việc hoàn thiện thể chế theo hướng rà soát, bổ sung các luật về thuế (Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập DN), phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế, nâng cao hiệu quả thực hiện công tác quản lý thuế và áp dụng mức thuế suất hợp lý; nghiên cứu sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), đổi mới phân cấp NSNN theo hướng bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế…

Về cơ cấu lại đầu tư công, hoàn thiện thể chế theo hướng tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi quy định pháp luật gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả; giải quyết triệt để những quy định của pháp luật về đầu tư công còn vướng mắc, chồng chéo trong quá trình thực hiện ở tất cả các khâu. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống các công cụ để lập, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, trong đó bao gồm hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, giá xây dựng, suất vốn đầu tư xây dựng, mô hình thông tin công trình…

Về phát triển các loại thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực theo hướng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ rào cản, biện pháp hành chính can thiệp trực tiếp vào thị trường, sản xuất kinh doanh…

Cùng với đó là hoàn thiện hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách phục vụ quá trình cơ cấu lại DN nhà nước; xây dựng, ban hành chính sách khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân phát triển…

Chuyên đề