Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2016 - 2020: Nhiều mục tiêu khó đạt

(BĐT) - Cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng thời gian qua đã cho thấy những kết quả khá rõ khi môi trường kinh doanh có nhiều cải thiện, chất lượng tăng trưởng chuyển biến với năng suất lao động ngày càng tăng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nhiệm vụ khó hoàn thành theo kế hoạch đề ra.
Mục tiêu xử lý dứt điểm các dự án của DNNN kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài khó đạt do thiếu nguồn lực và cơ chế thực hiện. Ảnh: Tường Lâm
Mục tiêu xử lý dứt điểm các dự án của DNNN kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài khó đạt do thiếu nguồn lực và cơ chế thực hiện. Ảnh: Tường Lâm

Chuyển biến

Báo cáo sơ kết kết quả cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) công bố cho thấy những điểm tích cực. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế đang từng bước được cải thiện và đạt mức tương đối cao. Lạm phát được kiểm soát dưới 5% suốt từ năm 2014, riêng năm 2017 là 2,6% và năm 2018 dự báo dưới 4%...

Đặc biệt, chất lượng tăng trưởng đã có cải thiện rõ rệt khi năng suất lao động xã hội năm 2017 tăng khoảng 6%, cao hơn so với mức tăng năm 2016 (5,31%) và cao hơn đáng kể so với mức tăng trung bình giai đoạn 2011 - 2015 (4,35%), đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 27/NQ-CP (5,5 - 6% hàng năm). Nếu loại trừ ngành khai khoáng, thì tốc độ tăng năng suất lao động tăng từ 3,8% năm 2011 lên 7,1% năm 2017. Đóng góp của các yếu tố tổng hợp vào tăng trưởng đã tăng từ 33,58% trong giai đoạn 2011 - 2015 lên 45,19% trong giai đoạn 2015 - 2017.

Ở 3 lĩnh vực tái cơ cấu: doanh nghiệp (DN) trọng tâm là DN nhà nước (DNNN); đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; thị trường tài chính, trọng tâm là các tổ chức tín dụng đã đạt được một số kết quả. Đối với cơ cấu lại DNNN, đến nay có 5/8 nhiệm vụ Chính phủ giao đã được triển khai và có kết quả tốt, 3 nhiệm vụ đã được triển khai và chưa có kết quả rõ. Đối với đầu tư công, Chính phủ đã xác định 12 nhiệm vụ giải pháp chính giao cho các bộ, ngành và địa phương thực hiện. Đến nay, có 5 nhiệm vụ đã được triển khai và có kết quả rõ ràng…

Dù đánh giá chất lượng tăng trưởng có sự chuyển biến rõ, song Bộ KH&ĐT đánh giá còn một số tồn tại của nền kinh tế khi cơ cấu nguồn lực chưa được dịch chuyển mạnh đến các ngành và khu vực kinh tế có năng suất lao động và hiệu quả cao… Hệ quả là năng lực cạnh tranh yếu, năng suất lao động thấp, nền kinh tế tiếp tục có nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” và có nguy cơ tụt hậu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. 

Nhiều lĩnh vực khó đạt mục tiêu

Bộ KH&ĐT cho rằng, trong kịch bản cơ sở, với việc hoàn thành các mục tiêu về cải cách và cơ cấu lại nền kinh tế tới năm 2020, tốc độ tăng trưởng GDP sẽ vượt đáng kể mục tiêu đề ra. Trong giai đoạn 2018 - 2020, GDP trung bình đạt 7,47%/năm và duy trì tăng trưởng ở mức cao trong giai đoạn 2021 - 2025. Tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2018 - 2025 sẽ dựa phần lớn vào tăng trưởng của các yếu tố tổng hợp... Nếu theo kịch bản này, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn, và đi kèm với cải thiện đáng kể về năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, Bộ cũng cảnh báo, đến hết năm 2020, nếu không có các biện pháp tổ chức thực hiện toàn diện và quyết liệt hơn Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, sẽ có 41% mục tiêu khó hoàn thành.

Đơn cử, mục tiêu thoái toàn bộ vốn khỏi các DNNN tại các ngành Nhà nước không cần nắm giữ trên 50% vốn sẽ khó hoàn thành. Mục tiêu xử lý dứt điểm các dự án của DNNN kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài cũng khó đạt, bởi đến nay mới ban hành Đề án xử lý 12 dự án thua lỗ, tuy nhiên thiếu nguồn lực và cơ chế thực hiện. Mục tiêu phấn đấu đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị DN hay nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh của DNNN… cũng không dễ dàng.

Đối với cơ cấu lại đầu tư, mục tiêu thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển, tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các công trình, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa rộng và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả nước khó đạt khi vẫn còn đơn vị giao vốn cho dự án không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Tương tự, mục tiêu tạo đột phá thu hút nguồn vốn tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức PPP khó hoàn thành khi pháp luật về PPP còn nhiều hạn chế, chưa đầy đủ, thiếu rõ ràng, minh bạch và nhất quán.

Ở trọng tâm cơ cấu lại thị trường tài chính, mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng xuống mức dưới 3%; hay mục tiêu từng bước xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng có liên quan cũng gặp thách thức không nhỏ.

Chuyên đề