Kẽ hở pháp lý khi đấu giá chỉ có một lần trả giá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại 2 cuộc đấu giá lô vật tư, thiết bị của ngành điện lực mới đây, người tham gia đấu giá đã trả giá ngay từ lần đầu tiên với bước giá chênh hàng nghìn lần so với giá khởi điểm. Do mức giá đã rất cao nên không có khách hàng trả giá ở lần tiếp theo, dẫn đến tài sản không bán được.
Tài sản dù nhận được nhiều sự quan tâm nhưng vẫn phải tổ chức đấu giá lại, làm mất thời gian, chi phí của các bên liên quan. Ảnh minh họa: NC st
Tài sản dù nhận được nhiều sự quan tâm nhưng vẫn phải tổ chức đấu giá lại, làm mất thời gian, chi phí của các bên liên quan. Ảnh minh họa: NC st

Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là do quy định thiếu chặt chẽ của pháp luật về đấu giá tài sản (ĐGTS) và kiến nghị khắc phục, quy định cụ thể hơn trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ĐGTS.

Ngày 3/2/2024, Công ty Đấu giá hợp danh Phúc Thành tổ chức ĐGTS là gói vật tư, thiết bị kém phẩm chất tồn kho thanh lý. Người có tài sản là Công ty Điện lực Chương Mỹ. Giá khởi điểm của tài sản (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) là 648.040.854 đồng. Theo quy chế, hình thức đấu giá là đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá. Khách hàng đầu tiên trả giá tối thiểu bằng giá khởi điểm. Các lần trả giá tiếp theo tối thiểu cao hơn lần trả giá trước từ 1 triệu đồng trở lên và không hạn chế mức tối đa.

Trong 18 người tham gia đấu giá, biên bản đấu giá ghi nhận ông Nghiêm Đình Thái, đại diện Công ty TNHH Vật tư thiết bị điện Nhật Anh là người đầu tiên trả giá với mức giá là 10.648.040.854 đồng (chênh 10 tỷ đồng so với giá khởi điểm, tương đương 10.000 bước giá). Sau 3 lần nhắc lại mức giá đã trả của người trả giá đầu tiên, không có khách hàng nào trả giá cao hơn. Căn cứ quy định tại Điều 49 Luật ĐGTS năm 2016, đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá đã tuyên bố tài sản đấu giá chưa bán được do chỉ có một khách hàng trả giá (trường hợp này không thuộc Điều 52 - Đấu giá không thành - Luật ĐGTS 2016).

Sự việc tương tự cũng diễn ra tại cuộc đấu giá lô vật tư thiết bị là chất thải rắn thông thường của Công ty Điện lực Yên Bái do Công ty Đấu giá hợp danh Lam Sơn Sài Gòn tổ chức vào ngày 6/2/2024. Tài sản có giá khởi điểm (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) là 1.688.484.058 đồng. Hình thức đấu giá là đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá. Bước giá đấu giá là 10 triệu đồng. Có 13 người tham gia cuộc đấu giá này. Trong lần trả giá đầu tiên, một khách hàng đã trả giá 11.688.484.058 đồng (cao hơn giá khởi điểm 10 tỷ đồng, tương đương 1.000 bước giá). Do không có khách hàng trả giá ở lần tiếp theo, đấu giá viên căn cứ khoản 2 Điều 5 và khoản 1 Điều 49 Luật ĐGTS 2016 công bố tài sản chưa bán được.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một khách hàng tham gia đấu giá cho biết, việc trả giá cao ngay từ lần trả giá đầu tiên khiến các khách hàng còn lại không thể trả giá thêm. Không rõ mục đích của người trả giá là gì nhưng cách thức đấu giá này làm mất thời gian và chi phí của nhiều bên trong quá trình tham gia đấu giá.

Theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ĐGTS trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV công bố tháng 11/2023 thì trường hợp trên được coi là cuộc đấu giá “không thành”. Cụ thể, Dự thảo Luật quy định bổ sung điểm g khoản 1 Điều 52 (Đấu giá không thành) với nội dung: “Đã hết thời hạn đăng ký mà chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá hoặc có nhiều người đăng ký tham gia đấu giá nhưng chỉ có một người tham gia cuộc đấu giá hoặc có nhiều người tham gia cuộc đấu giá nhưng chỉ có một người trả giá hoặc có nhiều người trả giá nhưng chỉ có một người trả giá hợp lệ trong trường hợp ĐGTS quy định tại Điều 59 của Luật này”. Một số chuyên gia đề xuất cần sửa đổi nội dung này trong Dự thảo Luật.

Về phía tổ chức ĐGTS, ông Nguyễn Chí Hiếu, đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá của Công ty Đấu giá hợp danh Lam Sơn Sài Gòn cho biết, pháp luật về ĐGTS không quy định về bước giá tối đa ở mỗi lần trả giá. Nếu quy chế đấu giá đưa ra mức trả giá tối đa thì có thể bị khiếu nại, khiếu kiện về việc đưa ra điều kiện hạn chế, khó khăn cho người tham gia đấu giá. Trong lần bán đấu giá thứ hai, nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra thì tài sản sẽ được bán cho người trả giá nếu được sự đồng ý của người có tài sản bằng văn bản. Trên thực tế, đây là một trong những quy định chưa chặt chẽ của pháp luật về ĐGTS khi tài sản đã có người trả giá, người có tài sản rất muốn bán nhưng không bán được. Trường hợp này lại không thuộc trường hợp bán đấu giá không thành nên cuộc đấu giá sẽ được tổ chức đấu giá lại.

Ở góc nhìn khác, một chuyên gia về đấu giá đặt vấn đề, trong lần đấu giá đầu tiên, việc một khách hàng tham gia đấu giá trả giá cao với hàng nghìn bước giá khiến cho các khách hàng tham gia đấu giá không thể trả giá thêm có thể tiềm ẩn hành vi “phá rối” cuộc đấu giá, trong khi quy định pháp luật hiện không có chế tài để xử lý. Bởi sau khi đấu giá lần đầu, danh sách khách hàng quan tâm tới tài sản đấu giá đã được công khai, rất dễ dẫn đến nguy cơ thông đồng, móc nối giữa các khách hàng tham gia đấu giá trong những lần đấu giá sau. Do vậy, kẽ hở này trong quy định của pháp luật cần sớm được khắc phục. Vị chuyên gia này khuyến nghị, quy định của pháp luật nên theo hướng, trong trường hợp chỉ có một người trả giá (với điều kiện trả giá trên mức giá khởi điểm) thì tài sản được bán thành công nếu được sự đồng ý của người có tài sản.

Chuyên đề