IDICO là một doanh nghiệp có nền tảng sản xuất kinh doanh cơ bản và tiềm lực tài chính. Ảnh: Lê Anh |
Sự kiện này càng làm tăng tính hấp dẫn của IDICO trong mắt các nhà đầu tư trước thềm IPO.
“Ông lớn” hạ tầng, năng lượng
IDICO là một trong những nhà quản lý, vận hành khu công nghiệp (KCN) lớn nhất trên cả nước với 13 dự án KCN có tổng diện tích lên tới 7.370 ha, quy mô đầu tư hơn 9.300 tỷ đồng. Trong số đó, 4 KCN có tỷ lệ lấp đầy cao nhất là: Nhơn Trạch 1 (92%), Nhơn Trạch V (100%), Mỹ Xuân A (85%), Kim Hoa (100%). Các dự án khác đều trong giai đoạn phát triển và thu hút đầu tư. Vận hành KCN là mảng kinh doanh có biên lợi nhuận cao nhất, lên tới gần 80%. Doanh thu mảng này bình quân đạt trên 500 tỷ đồng/năm, chiếm 11% doanh thu hợp nhất toàn Tổng công ty.
Bên cạnh mảng khai thác KCN, trong giai đoạn 2011 - 2015, IDICO đã thực hiện đầu tư xây dựng và hoàn thành 4 dự án BOT có tổng giá trị đầu tư 8.802 tỷ đồng là BOT Quốc lộ 2 (đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên); Dự án BOT Cải tạo và mở rộng Quốc lộ 51 (Biên Hòa - Vũng Tàu); Dự án BOT Đầu tư xây dựng bổ sung thuộc Dự án Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn An Sương - An Lạc; Dự án BOT Đầu tư xây dựng nút giao thông khác mức tại Quốc lộ 1 - Hương lộ 2. Doanh thu từ phí hoạt động trong năm 2016 của IDICO là 330 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2015. Đây là mảng kinh doanh thứ 2 có biên lợi nhuận cao của doanh nghiệp này.
Mảng đóng góp doanh thu lớn nhất cho IDICO là mảng kinh doanh điện năng với việc vận hành khai thác 4 nhà máy thủy điện là Thủy điện Srok Phu Miêng (51MW), Thủy điện Đak Mi 4A, 4B, 4C (208MW) và Thủy điện Đak Mi 3 (63MW). Trong 3 năm gần nhất, doanh thu kinh doanh điện của 4 nhà máy này đều chiếm trên 2.000 tỷ đồng, đặc biệt trong năm 2015 là trên 2.800 tỷ đồng. Trong năm 2016, IDICO đã thực hiện chuyển giao toàn bộ Nhà máy Thủy điện Đak Mi 4 và 4C về cho Công ty CP Thủy điện Đak Mi (IDICO sở hữu 26% vốn điều lệ) đồng thời ghi nhận khoản lợi nhuận đột biến trên 140 tỷ đồng. Nhờ vậy, lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2016 đạt 388,65 tỷ đồng, tăng 91,3% so với năm 2015.
6 tháng đầu năm 2017, doanh thu hợp nhất của IDICO đạt 2.760 tỷ đồng, tăng 28,8% so với cùng kỳ 2016. Nhờ cải thiện mạnh trong biên lợi nhuận gộp (tăng từ 10,74% trong 6 tháng 2016 lên 16,3% trong 6 tháng 2017) và đặc biệt là sự gia tăng mạnh trong doanh thu tài chính (gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016) đã giúp cho lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2017 đạt 339 tỷ đồng, hoàn thành 68% kế hoạch lợi nhuận năm 2017.
Dự kiến IPO trong quý III/2017
Không chỉ riêng lợi nhuận từ ngành nghề kinh doanh cơ bản, IDICO còn hấp dẫn nhà đầu tư nhờ sở hữu lượng tiền mặt “khổng lồ”. Tại thời điểm 30/6/2017, tổng giá trị tiền và tương đương tiền, các khoản đầu tư tài chính của doanh nghiệp này đạt khoảng 3.100 tỷ đồng, chiếm 24,1% tổng tài sản. Ngoài ra, với tỷ lệ thoái vốn nhà nước khá cao, lên tới 64%, IDICO dự kiến sẽ là thương vụ IPO “bom tấn” của quý III/2017.
Theo phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt, IDICO dự kiến có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, tương ứng 300 triệu cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng. Trong đó, Nhà nước sở hữu 108 triệu cổ phần, tương ứng 36% vốn điều lệ, dự kiến đến 31/12/2018, Nhà nước sẽ thoái hết vốn. Số cổ phần bán ưu đãi cho người lao động là 1,694 triệu đơn vị, chiếm 0,56% vốn điều lệ; chào bán cho nhà đầu tư chiến lược 135 triệu cổ phần, chiếm 45% vốn điều lệ; còn lại hơn 55,3 triệu cổ phần, tương đương 18,44% vốn điều lệ, sẽ đưa ra bán đấu giá công khai.
Mức giá khởi điểm đấu giá được Bộ Xây dựng công khai gần đây là 18.000 đồng/CP, tăng tới 63% so với mức giá 11.000 đồng/CP được đề xuất tại Dự thảo phương án cổ phần hóa IDICO công bố cuối năm 2016.
Bên cạnh đó, các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư cũng được quy định chi tiết hơn và đặc biệt là ưu tiên các doanh nghiệp thuộc 1 trong 3 lĩnh vực: đầu tư, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN, hạ tầng giao thông; đầu tư, kinh doanh phát triển nhà và đô thị, thi công xây lắp; sản xuất, kinh doanh điện năng phù hợp với chiến lược phát triển của IDICO. Đáng chú ý, đối tác chiến lược phải có tổng tài sản tối thiểu 2.500 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tối thiểu là 1.500 tỷ đồng trong niên độ tài chính năm 2016 đồng thời phải có cam kết đủ nguồn lực tài chính để mua tối thiểu 15% vốn điều lệ Tổng công ty (45 triệu cổ phần) và đặt cọc 20% giá trị cổ phần đăng ký mua, tương đương 162 tỷ đồng tính trên giá khởi điểm.
Với nền tảng sản xuất kinh doanh cơ bản và tiềm lực tài chính ổn định, IDICO hứa hẹn sẽ là một trong những khoản đầu tư tiềm năng. Một số chuyên gia phân tích tài chính cho rằng, IDICO sẽ duy trì được mức EPS bình quân 1.800 - 2.000 đồng/CP, nếu sử dụng phương pháp P/E (giá/thu nhập) các doanh nghiệp sản xuất trong ngành làm tham chiếu thì mức giá hợp lý của IDICO trong phạm vi 19.500 - 20.000 đồng/CP.