Ảnh Internet |
Phát huy vai trò dòng vốn ngoại
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh sách về lộ trình thoái vốn và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2017 - 2020 với mục tiêu hoàn thành cổ phần hóa 127 DN và thoái vốn nhà nước tại 406 DN. Để thực hiện kế hoạch này, ngoài trách nhiệm thực hiện của các bộ, ngành và DN được Chính phủ giao thì một câu hỏi được đặt ra là liệu thị trường có hấp thụ được nguồn vốn bán ra hay không?
Theo ước tính của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), mức thoái vốn của Chính phủ tại các DNNN từ nay đến năm 2020 là khoảng 4,35 tỷ USD, và để thị trường hấp thụ được nguồn cung khổng lồ này, cần có nguồn lực của nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN thuộc Bộ Tài chính, đánh giá: “Chúng ta không ngại thị trường không hấp thụ được nếu khai thông được dòng vốn đầu tư nước ngoài. Năm nay, chúng ta bán được các DN lớn, tạo lòng tin cho nhà đầu tư nước ngoài thì nhà đầu tư sẽ vào. Nếu tiếp tục tạo điều kiện cho nhà đầu tư tham gia thì khối lượng này không phải là không hấp thụ được”.
Thoái vốn DNNN đang hấp dẫn hơn
Nhiều năm qua, nhà đầu tư chiến lược không mấy “mặn mà” với việc thoái vốn DNNN của Chính phủ Việt Nam với nhiều lý do. Nhiều vụ rao bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược tại các DN lớn như MobiFone, PV Oil, Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) đã bị trì hoãn từ 1, 2 năm đến 10 năm nay. Hay số lượng cổ phần được bán ra rất nhỏ giọt với mức giá cao hơn thị trường như trường hợp bán cổ phần của Vinamilk. Việc này cũng hạn chế về quyền kiểm soát, quyền điều hành, hạn chế quyền chuyển nhượng hay khả năng sinh lời... của các nhà đầu tư chiến lược.
Ông Đặng Quyết Tiến cho biết, nhà đầu tư nước ngoài quan ngại khi mua cổ phần của DN Việt Nam vì cơ quan quản lý nói nhưng không thể hiện bằng văn bản quy định nào. Trong giai đoạn 2011 - 2015, chỉ thấy từng phương án riêng lẻ được công bố nên nhà đầu tư không biết lập kế hoạch để chuẩn bị. Vì vậy, việc công bố về danh mục, lộ trình thoái vốn, cổ phần hóa DNNN vừa rồi của Chính phủ là câu trả lời cho cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài, nhằm chuyển tải thông điệp về sự rõ ràng, minh bạch để nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn. Một thay đổi quan trọng là khi DN có quyết định cổ phần hóa sẽ phải đăng tải thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Tài chính. Nội dung công khai bao gồm tiến độ cổ phần hóa, thời điểm hoàn thành xác định giá trị DN, lộ trình cổ phần hóa, IPO. Việc này nhằm giúp giám sát việc thực hiện cổ phần hóa, tránh trường hợp kéo dài.
Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần tại DN cổ phần hóa có nghĩa vụ cung cấp các nguồn lực theo cam kết cho DN nhưng không được bán cổ phiếu trong vòng 5 năm, dẫn tới quyền lợi của các nhà đầu tư chiến lược bị hạn chế so với nghĩa vụ phải thực hiện. Vướng mắc này sẽ được gỡ bỏ bởi quy định tại Dự thảo Nghị định về cổ phần hóa là sẽ giảm thời gian quy định không chuyển nhượng cổ phần được mua từ 5 năm xuống còn 3 năm.
Ngoài ra, Dự thảo Nghị định cũng bổ sung thêm phương thức dựng sổ trong việc bán cổ phần lần đầu. Đây là quá trình tạo lập, tiếp nhận và ghi lại cầu cổ phiếu của nhà đầu tư, tổ chức phát hành sẽ thực hiện chào bán ra công chúng thông qua bảo lãnh phát hành.
Ngoài các thay đổi quan trọng, cơ quan quản lý cũng quyết liệt hơn trong việc yêu cầu các DN tuân thủ quy định về giao dịch cổ phiếu. Mới đây, Bộ Tài chính đã công khai danh sách 747 DN cổ phần hóa chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán trên trang thông tin điện tử của Bộ này. Hiện nay Bộ Tài chính đã quy định trong vòng 12 tháng các DN trên phải chấn chỉnh, nếu không đủ điều kiện thì trong vòng 12 tháng đó phải có phương án tiếp tục thoái vốn để tăng thêm cổ đông nhằm đáp ứng đủ điều kiện để lên sàn. Những DN không lên giao dịch phải trả lời cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước là tại sao không lên và bao giờ lên?