Các hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu sẽ không phải đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ. Ảnh: Lê Tiên |
Theo Cục Sở hữu trí tuệ, trên cơ sở quy định tại Khoản 1 Điều 6 Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và Khoản 3 Điều 5 Luật Sở hữu trí tuệ, sau khi thống nhất với Tòa án Nhân dân tối cao cùng các bộ ngành liên quan, Cục thống nhất áp dụng một số nghĩa vụ về sở hữu trí tuệ còn khác biệt giữa Hiệp định với Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản pháp luật liên quan trước khi các nghĩa vụ này được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật.
Một trong những điểm đáng chú ý tại Dự thảo là quy định tại Điều 18.27 của CPTPP về nghĩa vụ không được yêu cầu đăng ký việc chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu nhằm xác lập hiệu lực của việc chuyển quyền sử dụng và là điều kiện cho việc xác định hành vi sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu nhãn hiệu trong việc xác lập, duy trì và thực thi quyền đối với nhãn hiệu.
Theo đó, các hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu được ký kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực sẽ có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba, không phụ thuộc vào việc đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ theo quy định tại Khoản 2 Điều 148 Luật Sở hữu trí tuệ.
Việc sử dụng nhãn hiệu bởi bên nhận chuyển quyền sử dụng theo hợp đồng chuyển quyền sử dụng được ký kể từ ngày CPTPP có hiệu lực được coi là hành vi sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu nhãn hiệu trong các thủ tục xác lập, duy trì và thực thi quyền đối với nhãn hiệu, không phụ thuộc vào việc đăng ký hợp đồng chuyển quyền đó tại Cục Sở hữu trí tuệ.
“Như vậy, nếu như trước đây các bên chủ thể quyền sở hữu trí tuệ bắt buộc phải đăng ký tất cả các hợp đồng chuyển giao công nghệ với Cục Sở hữu trí tuệ, thì khi thực thi CPTPP, các chủ thể quyền sở hữu nhãn hiệu sẽ không phải thực hiện yêu cầu này. Điều này đồng nghĩa với việc rút ngắn thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời tạo cơ hội đưa công nghệ vào Việt Nam (do hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ thường có bí quyết công nghệ kèm theo)”, một chuyên gia về sở hữu trí tuệ nhận xét.
Về nghĩa vụ mỗi bên phải cho phép nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu nhãn hiệu, duy trì hiệu lực nhãn hiệu bằng điện tử và có một hệ thống thông tin điện tử có thể truy cập công cộng, bao gồm cơ sở dữ liệu trực tuyến gồm các đơn đăng ký nhãn hiệu và nhãn hiệu đã được đăng ký (Điều 18.24 CPTPP) cũng được hướng dẫn cụ thể. Đối với nghĩa vụ nộp đơn đăng ký bảo hộ bằng điện tử, bên cạnh cách thức nộp đơn thông thường (trực tiếp tại Cục Sở hữu trí tuệ hoặc các văn phòng đại diện của Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM và Đà Nẵng hoặc gửi qua bưu điện), nếu người nộp đơn có nhu cầu có thể nộp qua mạng điện tử về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của Cục Sở hữu trí tuệ.
Đối với nghĩa vụ duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu trực tuyến về nhãn hiệu, hiện nay, Thư viện số về sở hữu công nghiệp, bao gồm cả nhãn hiệu, được cập nhật hàng tháng. Các đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (bao gồm cả đơn đăng ký nhãn hiệu) được cập nhật tại công báo A về sở hữu công nghiệp và có thể truy cập tại địa chỉ cụ thể.
Riêng với nghĩa vụ bảo đảm thủ tục giải quyết tranh chấp tên miền thích hợp theo quy định của CPTPP, Dự thảo hướng dẫn, kể từ ngày CPTPP có hiệu lực, khi giải quyết tranh chấp tên miền theo quy định tại Điều 16 Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, phải căn cứ trên nguyên tắc được quy định trong chính sách giải quyết tranh chấp tên miền được Tổ chức Quản lý tên miền quốc tế (ICANN) thông qua.
Trường hợp một người đăng ký hoặc nắm giữ tên miền trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nhằm thu lợi với ý đồ xấu (Điểm ii, Điều 18.28 CPTTP), Dự thảo cũng hướng dẫn, nếu cơ quan có thẩm quyền xác định được hành vi đăng ký chiếm giữ tên miền với ý đồ xấu gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã đăng ký là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ngoài việc bị xử phạt theo quy định hiện hành thì còn bắt buộc cơ quan quản lý tên miền phải có biện pháp buộc thay đổi thông tin tên miền (xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ) hoặc trả lại tên miền đó.
CPTPP sẽ chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 14/1/2019.