Hội nhập và áp lực từ nguồn nhân lực

(BĐT) - Tốc độ hội nhập kinh tế quốc tế đang tạo ra một áp lực rất lớn với sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu không cung cấp đủ lao động có trình độ và kỹ năng lành nghề, những lợi thế mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mang lại có lẽ sẽ không được tận dụng triệt để.
Năng suất lao động thấp là rào cản cho sự phát triển của Việt Nam
Năng suất lao động thấp là rào cản cho sự phát triển của Việt Nam

Nhân công giá rẻ không còn là lợi thế

Việc kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được nhiều nhà đầu tư nước ngoài coi là cơ hội mới để đầu tư vào Việt Nam, tận dụng những lợi thế về giá nhân công rẻ và hàng rào thuế quan được bãi bỏ. Nhưng ông Stanley Szeto, Giám đốc điều hành của Lever Style, một công ty chuyên sản xuất quần áo cho các thương hiệu lớn như Hugo Boss và J. Crew, lại không nghĩ vậy. Thậm chí, ông còn  “không háo hức lắm” với Hiệp định này, bởi vì bất cứ hoạt động mở rộng đầu tư nào cũng có thể làm tăng chi phí sản xuất ở Việt Nam.

Kể từ năm 2011, Lever Style đã chuyển ¼ hoạt động sản xuất của mình từ Trung Quốc sang Việt Nam. Sự dịch chuyển này đã cắt giảm gần một nửa số nhân công của công ty này ở Trung Quốc xuống còn 3.000 lao động. Mặc dù vậy, ông Szeto cho biết Lever Style đã không thể dịch chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam với tốc độ nhanh hơn, bởi vì các nhà máy ở đây vẫn thiếu kinh nghiệm để sản xuất những chiếc áo khoác hoặc áo sơ mi có độ phức tạp cao.

Lực lượng nhân công tay nghề thấp và giá rẻ là nhân tố chính đóng góp vào thành công tăng trưởng của Việt Nam trong nhiều năm qua. Hàng tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam trong nhiều năm chính là vì lợi thế nhân công rẻ nói trên. Và chắc chắn vai trò của họ vẫn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới, nhất là trong các ngành có lợi thế sau khi TPP và các FTA có hiệu lực, hàng rào thuế quan bị bãi bỏ. Theo tính toán, tăng trưởng ngành dệt may và phụ kiện sẽ tạo ra thêm 250.000 việc làm mới trên mỗi tỷ USD đầu tư.

Nhưng lợi thế đó có tiếp tục mãi được không, khi Chính phủ đã xác định phát triển những ngành công nghiệp và cả nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao, và các ngành dịch vụ làm mũi nhọn của nền kinh tế? Thực tế, hiện nay đã xuất hiện các chỉ dấu cho thấy trình độ tay nghề của người lao động Việt Nam đã bắt đầu trở thành rào cản, mà câu chuyện của Lever Style có thể là một ví dụ.

Những con số buồn

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn 2 lần so với năng suất bình quân của khu vực ASEAN. Thực tế thì trong khu vực ASEAN, năng suất lao động của Việt Nam chỉ hơn Myanmar và Campuchia. Trong 3 năm từ 2011 đến 2013, tốc độ tăng năng suất lao động hàng năm của Việt Nam chỉ hơn 3%, trong khi GDP vẫn tăng trưởng ở mức trên dưới 5%. Tức là năng suất lao động còn tăng chậm hơn cả tăng GDP quốc gia. Đây cũng là một cảnh báo, nếu Việt Nam vẫn không có những điều chỉnh kịp thời thì tốc độ tăng chậm của năng suất lao động sẽ kéo tăng trưởng GDP quốc gia xuống và Việt Nam sẽ rất khó đạt được mục tiêu của một nước công nghiệp hóa. Nếu duy trì năng suất lao động này thì 50 năm nữa Việt Nam mới bằng Thái Lan bây giờ. Nhưng nếu tăng gấp đôi năng suất lao động thì con số này hạ xuống 13-14 năm.

Chỉ cần nhìn vào những con số đó đã thấy thách thức phía trước của Việt Nam lớn thế nào. Cho dù một loạt FTA trong năm 2015 đã được ký kết hoặc kết thúc đàm phán, thì chỉ vậy thôi cũng khó có thể giúp Việt Nam phát triển được những ngành sản xuất có ứng dụng công nghệ cao như mục tiêu của Chính phủ.

“Mặc dù việc đào tạo lực lượng lao động ở Việt Nam vẫn tăng hàng năm, Việt Nam vẫn thiếu nguồn nhân lực có trình độ ở các ngành nghề và khu vực cơ bản đóng vai trò chủ chốt nhằm đạt được tăng trưởng nhanh và một lực lượng lao động toàn diện hơn”, ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu nhận xét.

Đúng như ông Andreatta nói, không có đủ lao động trình độ cao thì cũng chả mong có được nền kinh tế tăng trưởng ở tốc độ nhanh. Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục là công xưởng gia công các sản phẩm công nghiệp với lợi thế duy nhất là giá nhân công rẻ, và bẫy thu nhập trung bình có lẽ cũng không dễ vượt qua.

Ngoài ra, khi mà Cộng đồng Kinh tế ASEAN cho phép luân chuyển lao động tự do giữa các nước trong khu vực, nhiều người Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ mất cơ hội việc làm vào tay những người lao động đến từ Thái Lan, Philippines hay thậm chí là từ Myanmar. 

Qua đó có thể thấy, áp lực về hội nhập kinh tế quốc tế đã đến với từng người dân, và năng suất lao động, kỹ năng làm việc lại chính là cản trở lớn nhất của mỗi người lao động Việt Nam nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. 

Nguồn nhân lực đã sẵn sàng thích ứng?

Có một câu hỏi được đặt ra là Việt Nam đã rất tích cực tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, là thành viên sáng lập của TPP, ký kết FTA với Liên minh Châu Âu, Liên minh Kinh tế Á - Âu và cũng ký FTA với Hàn Quốc, nhưng liệu nguồn nhân lực Việt Nam đã sẵn sàng trước những thay đổi sắp tới chưa? Liệu các biện pháp đề ra trong Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2016 -2020 có giúp cho lực lượng lao động đóng góp vào và hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi sắp tới không?

Trong con mắt của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, có vẻ như câu trả lời là chưa sẵn sàng. Trong suốt hai năm đi tìm kiếm nhân tài về làm việc cho Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Samsung tại Hà Nội, ông Đỗ Đức Dũng, Trưởng Phòng phát triển dự án của Trung tâm đã phải thốt lên rằng, nguồn nhân lực thực sự là rào cản quá lớn. Theo ông Dũng, cứ mỗi một sinh viên ra trường vào làm việc tại Trung tâm, cần ít nhất 3 tháng để đào tạo lại cơ bản và sau 6 tháng mới làm được những công việc đơn giản.

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong giai đoạn 2010 - 2014, các doanh nghiệp FDI đã phải chi một khoản lên tới 3,6 -3,7% chi phí kinh doanh để đào tạo thêm 20 - 35% lao động mới tuyển dụng. Khoảng cách về trình độ tay nghề của người lao động và yêu cầu của doanh nghiệp tuy đã giảm dần trong các năm 2010 - 2013 nhưng lại tăng vào năm 2014. Điều này đã làm tăng thêm chi phí đào tạo mà các doanh nghiệp phải bỏ ra.

Lời giải cho bài toán ở đây nằm ở chính hệ thống giáo dục. Ông Shimon Tokuyama, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, việc áp dụng đào tạo công nghệ, kỹ năng hướng tới công nghiệp hóa từ bậc trung học phổ thông, và việc thực hiện các chính sách để tăng số lượng nguồn nhân lực đóng vai trò nền tảng của công nghiệp̣ là rất quan trọng. Thực tế, chiến lược đào tạo này đã được áp dụng tại Nhật Bản. Theo ông Tokuyama, trong trường trung học phổ thông ở Nhật Bản, các môn học văn hóa chiếm khoảng 56%, môn về công nghiệp khoảng 5%, môn về thương nghiệp khoảng 10%, môn về nông nghiệp khoảng 5%.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện ở đất nước mặt trời mọc, còn ở Việt Nam, điều này vẫn chưa được thực hiện, thậm chí kể cả ở cấp độ đại học. Chắc chắn rằng nếu như không có sự cải cách nào từ hệ thống giáo dục, áp lực về nguồn nhân lực trình độ cao sẽ vẫn còn rất lớn.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư