Cảnh báo về năng lực cạnh tranh hội nhập

(BĐT) - Bài học 15 năm hội nhập của Việt Nam cho thấy, hội nhập không tự đem lại lợi ích cho nền kinh tế, để có lợi ích, nền kinh tế phải có năng lực tận dụng cơ hội cũng như năng lực giảm thiểu các thách thức từ quá trình hội nhập.
Gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế là điều kiện cần thiết để cạnh tranh thành công trong hội nhập. Ảnh: Lê Tiên
Gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế là điều kiện cần thiết để cạnh tranh thành công trong hội nhập. Ảnh: Lê Tiên

Cần ổn định kinh tế để hội nhập

Nền kinh tế Việt Nam là một bộ phận của nền kinh tế thế giới, nên quá trình hội nhập như một đòi hỏi tất yếu mà mỗi nền kinh tế phát triển phải hướng đến. Giai đoạn 2001 - 2014, Việt Nam đã tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương và khu vực. Theo các công trình nghiên cứu của ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại và các cộng sự, trong các mốc hội nhập thì Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2001 được coi là có tác động mạnh mẽ và tích cực nhất. Thế nhưng, việc tận dụng cơ hội từ thị trường rộng lớn Hoa Kỳ chủ yếu vẫn dừng ở việc mở rộng thị trường xuất khẩu, chứ chưa coi đó là cơ hội để thay đổi cấu trúc nền kinh tế theo hướng tích cực. Các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ chủ yếu là các sản phẩm gia công, không có tính kinh tế theo quy mô và quy trình sản xuất thâm dụng lao động thiếu kỹ năng, không có độ lan tỏa về mặt công nghệ lớn.

Mốc hội nhập quan trọng thứ hai là sự kiện Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007. Nhiều nhà kinh tế coi đây là cơ hội để Việt Nam thực hiện Đổi mới lần 2. Tuy nhiên, theo ông Phạm Sỹ An, Phó ban Ban Kinh tế vĩ mô thuộc Viện Kinh tế Việt Nam thì thực tế không đạt được như kỳ vọng, vì thời điểm này nền kinh tế thế giới (bắt đầu từ Mỹ) đã bộc lộ những vấn đề trong thị trường tài chính và nền kinh tế nước ta cũng bắt đầu bộc lộ những rủi ro.

Bên cạnh đó, việc tận dụng không tốt cơ hội từ hội nhập (dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI và đầu tư gián tiếp nước ngoài - FII vào lớn), lạm phát trong nước tăng cao và xuất hiện những bất ổn kinh tế vĩ mô vào cuối năm 2007 và nửa đầu năm 2008 cũng là nguyên nhân khiến nền kinh tế nước ta không thể bứt phá.

Rõ ràng, với 2 dấu mốc quan trọng xuyên suốt một thời kỳ dài hội nhập, bên cạnh những yếu tố khách quan thì không phải lúc nào nền kinh tế cũng tận dụng được tốt cơ hội. Các chuyên gia kinh tế nhận định, để có thể tận dụng được cơ hội và giảm thiểu các thách thức từ hội nhập thì trước hết nền kinh tế cần ổn định, sau đó là phát huy các khía cạnh liên quan đến năng lực cạnh tranh như thể chế kinh tế, kết cấu hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực… 

Phải có năng lực cạnh tranh trong hội nhập

Trước ngưỡng cửa của nhiều mốc hội nhập quan trọng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU…, nền kinh tế đã đạt được những điều kiện cơ bản và bước đầu cho việc tận dụng tốt cơ hội từ hội nhập như: tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,68% (cao hơn so với năm 2014 - 5,98%); nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi tương đối rõ ràng; tỷ lệ lạm phát năm 2015 ở mức thấp nhất trong vòng 14 năm qua...

Tuy nhiên, ông Phạm Sỹ An nhận định, để cạnh tranh thành công trong hội nhập, nền kinh tế không chỉ cần sự ổn định vĩ mô, mà còn đòi hỏi nhiều điều kiện hơn nữa nhưsự ổn định về môi trường kinh doanh, đầu tư và năng lực cạnh tranh tăng lên của nền kinh tế.

“Kinh tế Việt Nam lúc này đòi hỏi có những cải thiện trong môi trường đầu tư, kinh doanh như tăng tính minh bạch và sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong quá trình thiết kế và thực hiện chính sách, tăng tính tiên liệu của chính sách, tăng trách nhiệm giải trình của những nhà hoạch định chính sách, giảm thiểu chi phí gia nhập, chi phí thực hiện và chi phí thoát khỏi ngành”, ông Phạm Sỹ An phân tích.

Bên cạnh đó, cần có chiến lược và chính sách công nghiệp nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ để có thể tận dụng tốt nhất cơ hội từ hội nhập và có chính sách công nghiệp để nâng cao năng lực sản xuất và giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Không chỉ hướng tới thị trường xuất khẩu, hội nhập cũng đồng nghĩa với việc nền kinh tế phải đón nhận nhập khẩu. Tuy nhiên, chúng ta cần nhập khẩu công nghệ hiện đại, đó là cách thức để nâng cao trình độ sản xuất trong nước. Đây được coi là kênh truyền dẫn công nghệ quan trọng từ bên ngoài vào nền kinh tế. Nếu vẫn để tình trạng nhập khẩu công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường và tiêu tốn năng lượng thì không những không tạo nên tác động lan tỏa tích cực mà thậm chí còn gây nên hiệu ứng ngoại lai tiêu cực lên nền kinh tế - ông Phạm Sỹ An nêu quan điểm.

Chuyên đề